Xu hướng mua hậu vệ của Premier League: Tường mục đổ thêm bê tông
* Tổng hợp tin chuyển nhượng ngày 2/8
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
KHI CÁC HẬU VỆ LÊN NGÔI
Premier League 2013/14 chính là mùa chuyển nhượng điên rồ và tốn kém nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Chỉ tính riêng mùa Hè năm ngoái, các đội bóng Anh đã chi tới 630 triệu bảng cho công cuộc mua sắm (kỷ lục mới). Và nghiễm nhiên khi người ta chi ngần ấy tiền để shopping thì những gì diễn ra trong phiên chợ ấy được coi là chuẩn mực.
Năm ngoái, 52% số tiền ném vào thị trường chuyển nhượng dành cho mặt trận tấn công. Man City mua Negredo, Jovetic, Navas; Chelsea sắm Willian, Schuerrle, Eto’o; Tottenham cũng chi khá nhiều tiền cho Soldado, Lamela, Eriksen… Rất nhiều cầu thủ phục vụ nhu cầu tấn công được mang về khiến đông đảo NHM nghĩ rằng, các đội bóng Premier League chỉ coi các hậu vệ là vai phụ, tiền đạo mới là kép chính.
Nhưng những gì diễn ra trong phiên chợ mùa Hè 2014 lại nâng các hậu vệ lên một tầm cao mới và thay đổi suy nghĩ mặc định của NHM. Chỉ trong 1 tháng qua, Liverpool phá kỷ lục chuyển nhượng của chính mình cho một hậu vệ để mua Dejan Lovren, Arsenal chi đậm mua cặp hậu vệ phải Chambers - Debuchy, Chelsea cũng lôi kéo thành công Filipe Luis. Nhưng hoành tráng nhất phải là Man United. Để thay thế Patrice Evra, Quỷ đỏ bỏ ra tới 30 triệu bảng cho Luke Shaw.
Quỷ đỏ bỏ ra tới 30 triệu bảng cho Luke Shaw
Theo thống kê của trang Transfer Markt, tính đến 30/7, có tổng cộng 169 cầu thủ “chuyển hộ khẩu” đến Premier League và 45% trong số đó là những tân binh phục vụ nhu cầu gia cố hàng thủ (tính cả hậu vệ, thủ môn và tiền vệ phòng ngự).
HIỆN TƯỢNG TẤT YẾU
Sự lên ngôi của các hậu vệ phản ánh một xu thế chuyển nhượng mới, một hiện tượng kỳ lạ của Premier League hay đó đơn thuần chỉ là điều tất yếu? Theo tờ Daily Mail thì Premier League 2014/15 chính là điểm kết thúc cho hạn sử dụng của một nhóm hậu vệ và đánh dấu sự khởi đầu mới cho những lứa kế cận. Nó là vòng quay tất yếu xảy ra theo biên độ khoảng 5-6 năm/lần.
Lướt nhanh qua hàng thủ các ông lớn chúng ta đều cảm thấy một sự thiếu an toàn tồn tại rõ rệt nếu không có sự xuất hiện của các tân binh. Man United chia tay Rio Ferdinand, Vidic, Evra. Họ bắt buộc phải đôn cầu thủ trẻ hoặc mua tân binh thay thế.
Chelsea cũng mất đi Ashley Cole và Filipe Luis đến để thay thế. Liverpool mùa trước chết vì sự sai sót của các hậu vệ. Mùa này, HLV Brendan Rodgers quyết tâm không để vết thương đó tái phát và họ chi đậm cho Lovren.
Hẳn NHM còn nhớ, Premier League mùa trước chứng kiến không ít những trận đấu với tỷ số không tưởng. Man City hạ Arsenal 6-3, Liverpool vùi dập Tottenham 5-0 và cũng chính Liverpool dẫn Crystal Palace 3-0, rồi bị gỡ hòa 3-3... Mùa bóng bùng nổ những trận cầu tràn ngập bàn thắng chính là dấu hiệu trầm trọng nhất của sự suy thoái các hệ thống phòng ngự.
Ngay ở đấu trường Champions League, việc các ông lớn Anh mang ra châu Âu những cầu thủ phòng ngự kém cỏi về năng lực, ngô nghê về kinh nghiệm chính là điểm chết của bóng đá Anh. Khi sự suy thoái đủ trầm trọng để người ta nhìn thấy bằng mắt, lẽ tất yếu các ông lớn sẽ sử dụng phiên chợ Hè làm thời cơ để bổ sung nhân lực.
Thêm vào đó, khi năng lực các tiền đạo ngày càng được nâng cao, thì rõ ràng là tuổi đời của các hậu vệ cũng dần được trẻ hóa. Thử hỏi Rio Ferdinand lấy đâu ra sức để đuổi theo Alexis Sanchez, Evra sẽ khốn khổ ra sao nếu phải kèm Theo Walcott? Có cầu ắt sẽ có cung. Những hậu vệ ngày càng trở nên đắt tiền cũng vì lý do đó.