Vì sao Van Gaal càng già, càng cay?
1. Dù đã có Cúp UEFA vào năm 1992, nhưng HLV Louis van Gaal chỉ thật sự được cả thế giới ngưỡng mộ từ năm 1995, khi ông đưa Ajax Amsterdam trở lại ngôi vô địch Champions League và đoạt luôn danh hiệu HLV xuất sắc nhất thế giới trong mọi cuộc bầu chọn quan trọng. Hãy xem, đồng nghiệp xung quanh Van Gaal ở thời điểm ấy là những nhân vật như thế nào.
AC Milan - đối thủ của Ajax trong trận chung kết Champions League 1995 do Fabio Capello huấn luyện. Còn đối thủ của Milan tại Serie A là Juventus khi ấy vừa đoạt lại Scudetto dưới sự dẫn dắt của Marcello Lippi. Johan Cruyff còn đang huấn luyện Barcelona trong khi Jorge Valdano dẫn dắt Real. Tại Anh, Arsenal vừa sa thải George Graham vì một scandal liên quan tới tiền bạc. Kỷ nguyên Arsene Wenger bắt đầu trong năm sau đó. Tất nhiên, dẫn dắt M.U vẫn là Alex Ferguson. Tại Đức, Giovanni Trapattoni dẫn dắt Bayern, nhưng Franz Beckenbauer sẽ sa thải người kế nhiệm Trapattoni là Otto Rehhagel và tự mình cầm quân sau đó không lâu. HLV trưởng các đội tuyển lớn như Italia, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan khi ấy là Arrigo Sacchi, Terry Venables, Berti Vogts, Aime Jacquet, Guus Hiddink.
2. Toàn những huyền thoại trong làng huấn luyện! Capello (dẫn dắt ĐT Nga), Wenger (Arsenal) và Hiddink (Hà Lan) là 3 nhân vật hiếm hoi trong danh sách nêu trên hiện vẫn đang hành nghề. Hiệu quả công việc có tương xứng với danh tiếng của họ? Dù là HLV lĩnh lương cao nhất thế giới, Capello vẫn thất bại tủi nhục tại World Cup 2014, không thắng trận nào dù nằm trong bảng đấu nhẹ nhất trong lịch sử World Cup (đối thủ chỉ là Bỉ, Algeria, Hàn Quốc)! Hiddink thì thua đến 4/6 trận kể từ khi trở lại dẫn dắt đội tuyển Hà Lan. Và đã chục năm trôi qua kể từ lần gần nhất Wenger đem về cho Arsenal danh hiệu vô địch Premier League.
Điểm chung: họ đều đã “hết thời”. Bóng đá bây giờ khác hẳn với thứ bóng đá của 20 năm trước, mà Capello, Hiddink hoặc Wenger rành rẽ. Danh tiếng cũ tuy lừng lẫy, kỳ tích cũ tuy vang dội, nhưng tất cả đều không giúp gì cho Capello, Wenger hoặc Hiddink trong thời buổi này.
3. Giống các đồng nghiệp cùng thế hệ, Van Gaal cũng khởi đầu sự nghiệp huấn luyện khi Angel di Maria hoặc Lionel Messi còn chưa chào đời. Vậy, do đâu Van Gaal vẫn chưa lỗi thời? Vì ông không được tôn vinh là “phù thủy” như kiểu Hiddink đưa Hàn Quốc lên tận mây xanh. Ông không được chi mức lương khủng như kiểu giới bóng đá Nga chi tiền vô tội vạ cho Capello. Ông không được tâng bốc là “giáo sư” như Wenger. Van Gaal khác hẳn những đồng nghiệp ấy ở chỗ: ông đã nếm trải quá nhiều cay đắng và không bao giờ quên mình là ai, đang đứng ở đâu. Ông hiểu rõ bóng đá đỉnh cao khắc nghiệt như thế nào. Ông không huyễn hoặc chính mình.
Ở Barcelona (trong cả 2 lần cầm quân) và Bayern Munich, Van Gaal đều ra đi trước khi hợp đồng hết hạn. Ở đội tuyển Hà Lan (trong lần đầu cầm quân), Van Gaal thậm chí còn không qua nổi vòng loại World Cup. Chính ông vực dậy Ajax, đưa họ lên đỉnh cao trong cái thời buổi mà bóng đá Hà Lan tưởng như không thể cạnh tranh với các thế lực giàu mạnh. Vậy mà chính ông lại bị hất khỏi Ajax bởi “gã đàn em hãnh tiến” Ronald Koeman.
Cuộc đời huấn luyện của Van Gaal “thực” hơn, chứ không “ảo” như các đồng nghiệp nổi tiếng xung quanh. Ông biết sợ - sợ nỗi ám ảnh thất bại với “gạch đá” đi kèm. Vì biết sợ mà ông luôn kịp điều chỉnh cách làm, thay đổi kế hoạch chứ không bám riết vào những ý tưởng cũ mèm dưới tên gọi mỹ miều là “triết lý bóng đá” như Wenger, Hiddink hoặc Capello.
Van Gaal mới đích thực là mẫu “càng già, càng cay”.