Tiền tài & danh vọng
Mendes mới nổi lên vài năm gần đây nhưng đã soán ngôi của những đàn anh kỳ cựu, như Pini Zahavi. Mendes chính là đại diện của Radamel Falcao và Angel di Maria, cũng như Mourinho.
Mourinho đã “cảm ơn” Mendes khi được đề nghị đưa Di Maria và Falcao đến sân Stamford Bridge. Trong một cuốn sách hay về “siêu cò” này mang tên “The key to Mendes”, Mourinho tiết lộ: “Nếu muốn, Chelsea đã có cả Di Maria lẫn Falcao. Tuy nhiên, có hai lý do tôi từ chối. Thứ nhất, tôi không muốn có 2 cầu thủ nhận lương 10 triệu bảng/mùa trong khi những người khác chỉ nhận lương 3 đến 5 triệu. Thứ hai, tôi không nghĩ Di Maria và Falcao phù hợp với cái giá Mendes đưa ra”.
Mourinho là vậy. Công việc là công việc. Mối quan hệ khăng khít
giữa Người đặc biệt của bóng đá Anh (Mourinho) và Người đặc biệt của thị
trường chuyển nhượng (Mendes) vẫn không khiến HLV bậc thầy của Chelsea
nhân nhượng trong đàm phán.
Di Maria đến M.U
với giá chuyển nhượng xấp xỉ 60 triệu bảng. Falcao được M.U mượn với mức
lương 260.000 bảng/tuần kèm điều khoản cho phép mua đứt từ AS Monaco
với giá 43 triệu bảng. Chỉ cần hai vụ này, Mendes đã giàu to.
Người ta nói những người đại diện cầu thủ là “Ngài 10%”, tức mỗi phi vụ trót lọt, một tay cò cầu thủ được nhận khoảng 10% tổng chi phí. Đó là dạng chung chung, còn dạng đặc biệt như Mendes thì thù lao có thể lên đến 15 thậm chí 20%.
Mendes trong bóng đá được ví như Scott Boras trong bóng chày, nghĩa là những tay “cò” trong thể thao “không chịu thiệt dù chỉ 1 USD” như câu nói nổi tiếng của Boras. Khác biệt giữa Boras và Mendes là: Boras không đưa thân chủ của mình đến với một CLB đơn thuần chỉ vì tiền. Mendes bị chỉ trích là quá hám tiền, nhưng thật ra không thể trách chỉ mình ông.
Trâu không muốn uống nước thì không thể ghì đầu trâu. Người ta có quyền đặt dấu hỏi về chính Di Maria hay Falcao. Họ xuất sắc hơn Fabregas và Diego Costa, hai tân binh giúp Chelsea lột xác mùa này để tiến sát đến 2 danh hiệu Cúp Liên đoàn (đã vào chung kết) và Premier League (đang đứng thứ nhất).
Chọn đúng CLB, không chỉ nghĩ đến tiền chưa bao giờ là điều đơn giản đối với những cầu thủ nhà nghề đỉnh cao. Falcao lý luận: “Tôi còn cả gia đình, thậm chí cả một dòng họ để lo lắng về mặt vật chất”. Di Maria cũng có lý: “Sự nghiệp cầu thủ nhà nghề rất ngắn ngủi, có thể là 1 năm, 2 năm hoặc 10 năm. Chỉ một chấn thương có thể biến thiên đường thành địa ngục”.
Falcao và Di Maria đúng, nhưng không hoàn toàn. Giữa 10 triệu bảng và 7 triệu bảng là khác biệt không nhỏ, nhưng quan trọng không hẳn chỉ là giá trị vật chất. Một cầu thủ có 7 triệu bảng trong suốt sự nghiệp quần đùi áo số, nhưng nếu biết thu vén chắc chắn cả đời sung sướng. Ngược lại, dù có 100 triệu bảng nhưng không biết sử dụng đồng tiền đúng chỗ đúng lúc thì nguy cơ phá sản rất cao. Theo một cuộc điều tra của tờ Mirror, trung bình mỗi cầu thủ nhà nghề đỉnh cao ở châu Âu có 5 triệu bảng sau khi giải nghệ. Tuy nhiên, tỷ lệ số người bị phá sản sau khi treo giày lên đến 12%.
Falcao chọn Monaco rồi M.U thay vì Chelsea sau khi rời Atletico Madrid. Di Maria có thể đến Chelsea, Man City hay một đội bóng lớn phù hợp với anh hơn M.U của “gã điên” Van Gaal. Danh sẽ đẻ ra tiền nhờ vào quảng cáo cùng phong độ, thành tích thi đấu. Nếu chỉ chọn nơi trả lương cao nhất bất chấp mọi yếu tố khác, thì hãy nhìn gương Falcao và Di Maria!