*Bạn cũng cóthể bình luận về bài viết này trên
1. Có hai vụ chuyển nhượng đã phô trương sức mạnh tài chính của Man City. Đầu tiên là thương vụ Robinho, được thực hiện trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2008, chỉ vài tiếng sau khi tỷ phú Ả rập Sheikh Mansour mua lại Man City. Giá của Robinho là kỷ lục: 32,5 triệu bảng. Một "Galactico" đã không thể cưỡng lại sức cuốn hút của đồng tiền.
Thương vụ thứ hai mang tên Yaya Toure. Mặc áo số 24 ở Barca, không có được vị trí chính thức ở Camp Nou, anh vẫn có giá đến 24 triệu bảng (ở Man City, anh dùng số áo 42). Nhưng sốc nhất là mức lương mà Man City chấp nhận trả cho tiền vệ người Bờ Biển Ngà: 200 nghìn bảng/tuần, bằng số tiền mà Quả bóng vàng Ronaldo nhận ở Real Madrid. Nhiều đội bóng muốn có Yaya Toure, trong đó có Arsenal và M.U. Nhưng khi Man City đưa ra mức lương kỷ lục thế giới, họ chỉ còn biết rút lui.
Yaya Toure giờ là một trong những cầu thủ quan trọng nhất của Man City. Những danh hiệu lịch sử của Man City đều in đậm dấu chân anh. Chính anh đã ghi bàn duy nhất hạ gục M.U ở trận bán kết Cúp FA. Chính anh tiếp tục nổ súng trong trận chung kết với Stoke City để giúp Man City giải tỏa cơn khát danh hiệu đã kéo dài 35 năm. Và đêm qua, chính anh đã lập cú đúp để giúp Man City giành chiến thắng quan trọng nhất ở mùa này, cũng là chiến thắng dẫn đến chức VĐQG mà họ đã chờ đợi 44 năm.
M.U đang bị đánh bại bởi sức mạnh đồng tiền- Ảnh Getty
2. Một năm trước khi Yaya Toure tìm đến Man Xanh, Man Đỏ đã quyết định bán Cristiano Ronaldo cho Real Madrid. Lần đầu tiên dưới triều đại Sir Alex Ferguson, M.U phải bán đi ngôi sao lớn nhất của đội bóng, vì muốn kiếm tiền. Đó là thương vụ kỷ lục của bóng đá thế giới, với giá 80 triệu bảng. Nhưng nếu là trước đây, trước khi gia đình nhà Glazer mua lại M.U và vác cả núi nợ đè lên Old Trafford, không có chuyện M.U chấp nhận bán đi Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Họ vốn chỉ lập kỷ lục về mua ngôi sao chứ không phải bán ngôi sao, như các thương vụ mang tên Eric Cantona, Roy Keane, Juan Veron hay gần nhất là Wayne Rooney. Vụ bán Ronaldo đã cho thấy những khó khăn về mặt tài chính mà M.U đã và đang đối mặt. Những khó khăn ấy chỉ tạm thời được che đậy nhờ tài xoay xở của Sir Alex. Nhưng có một thực tế mà ai cũng nhìn thấy, M.U đã suy yếu so với lúc có Ronaldo, ngay cả ở mùa giải trước, khi họ vô địch Premier League và lọt vào chung kết Champions League.
Cuối tuần qua, Ronaldo đã kỷ niệm cột mốc 100 trận trong màu áo Real Madrid. 100 trận ấy, anh ghi đến 111 bàn và vừa giúp Real chấm dứt sự thống trị của Barca, bước lên đỉnh cao Liga. Chứng kiến cảnh ấy, CĐV M.U có thấy nhớ Ronaldo, có xót xa cho tình cảnh của mình hiện tại?
3. Bán Ronaldo nhưng M.U không thể đưa về Old Trafford những ngôi sao đẳng cấp thế giới. Như đã nhắc ở trên, họ muốn có Yaya Toure nhưng không thể ganh đua với Man City. Sir Alex từng rất thích David Silva, nhưng đành nhìn anh chuyển đến nửa xanh Manchester. Mùa Hè năm ngoái, M.U là đội đầu tiên hỏi mua Samir Nasri, nhưng đích đến của tiền vệ người Pháp này là sân Etihad chứ không phải là Old Trafford. Mùa Hè này, M.U có ý định hỏi mua Hazard của Lille, nhưng nghe đâu Man City cũng nhảy vào.
Khi không thể đưa về những ngôi sao ưng ý, Sir Alex chọn giải pháp gọi trở lại Paul Scholes. Một quyết định sáng suốt. Scholes đã thi đấu xuất sắc từ ngày trở lại. Đêm qua, anh đã đánh gót điệu nghệ, ghi bàn giúp M.U giành chiến thắng trước Swansea. Nhưng sự tỏa sáng của Scholes, hay sức mạnh truyền thống liệu có đủ? Nếu chọn lựa giữa Scholes và Yaya Toure, bạn sẽ chọn ai?
Trước trận gặp Swansea, Sir Alex buồn rầu nói rằng: "Không ai có thể ganh đua với Man City về mặt tài chính. Họ quá giàu, và quá nhiều tiền. Những gì chúng tôi cần làm là tận dụng lò đào tạo cầu thủ trẻ".
Hôm qua, nhiều nguồn tin khẳng định rằng Paul Pogba quyết định rời M.U, gia nhập Juve. Lý do: Đội bóng Ý sẵn sàng trả lương cao hơn cho tiền vệ tuổi "teen" này.
ĐỨC LỘC
Thethaovanhoa.vn