Premier League là mỏ vàng!
PREMIER LEAGUE THỐNG TRỊ THẾ GIỚI
Thịnh vượng là từ chính xác nhất để nói về các CLB Anh. Báo cáo doanh thu của Deloitte tại mùa giải 2012/13 “chỉ” chứng kiến 6 đại diện nước Anh trong Top 20 CLB kiếm tiền giỏi nhất. Nhưng trong báo cáo mới nhất về mùa giải 2013/14, con số đó đã tăng lên 8 đội (M.U, Man City, Chelsea, Arsenal, Liverpool, Tottenham, Newcastle, Everton). Tương tự nếu mở rộng ra Top 30 thì con số CLB Anh đã tăng từ 8 năm ngoái lên 14 của năm nay. Và trong Top 40 CLB giàu nhất thế giới thì có tới một nửa đến từ vương quốc Anh, chính là 20 đại diện Premier League mùa này.
Phân bố top 20 CLB giàu nhất thế giới 2013/14
Tốc độ kiếm tiền của bóng đá Anh cũng “khủng khiếp” nhất thế giới. Man City có doanh thu tăng 28% so với năm ngoái, cao hơn bất kỳ đội bóng nào khác trong Top 20 của Deloitte. Nhà ĐKVĐ Premier League đút túi 414,4 triệu euro so với 316,2 triệu của mùa giải 2012/13. Đứng thứ hai về tỷ lệ tăng doanh thu cũng là một đại diện thành Manchester, M.U với 24%. Đây là điều khá bất ngờ vì đội chủ sân Old Trafford vừa trải qua mùa giải tệ hại nhất trong lịch sử Premier League khi chỉ cán đích thứ 7. Rõ ràng, thành tích không hề ảnh hưởng đến sức hút thương hiệu và kinh nghiệm trên thương trường của M.U. Với 518 triệu euro, M.U đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử CLB và nằm trong số 2 đội bóng (cùng với Real Madrid) cán ngưỡng 500 triệu euro.
Theo cách tính của Deloitte, doanh thu một đội bóng dựa vào ba nguồn gồm doanh thu trận đấu, bản quyền truyền hình (BQTH) và các hoạt động thương mại. Với M.U, các hoạt động thương mại đem lại nguồn thu chính khi chiếm 44% tổng doanh thu. Trong đó đóng góp phần lớn là hợp đồng tài trợ “siêu khủng” 32 triệu euro/năm với hãng xe Chevrolet. Tóm lại, cho dù M.U thi đấu bết bát thế nào thì các hợp đồng tài trợ vẫn ùn ùn kéo về Old Trafford.
CÚ HÍCH BẢN QUYỀN TRUYỀN HÌNH
Miếng bánh bản quyền truyền hình màu mỡ là nguyên nhân giúp Premier League ngày một giàu sụ. Như đã biết, các đội bóng Premier League được nhận tổng cộng 3 tỷ bảng tiền BQTH trong giai đoạn 2013-2016. Điều quan trọng, khoản tiền khổng lồ trên được san sẻ công bằng cho 20 CLB hàng đầu, thay vì thiên lệch về một vài đội bóng lớn như tại các giải đấu khác. Thế nên ngay cả những CLB nhỏ như Stoke City, Sunderland cũng được rót khoảng 80 triệu euro/mùa tiền BQTH, tức là ngang với cả những thế lực hàng đầu tại các giải đấu khác như Dortmund (81 triệu euro), PSG (83 triệu euro). Điều đó lý giải tại sao Aston Villa với tổng doanh thua 131 triệu euro còn đứng cao hơn cả Roma với chỉ 128 triệu euro.
Nhờ doanh thu BQTH tăng, các đội bóng Anh càng có thể trả những mức lương béo bở để thu hút các ngôi sao hàng đầu. Bây giờ không chỉ những M.U, Man City, Chelsea mới có thể tậu các tên tuổi sáng giá. Ngay cả Stoke City cũng có thể sở hữu Bojan Krkic. Hull City bỏ ra mức phí kỷ lục trong lịch sử CLB là 13 triệu euro để có Abel Hernandez. Càng đón nhiều sao, Premier League càng thu hút NHM, nhà tài trợ, bản quyền truyền hình. Và dòng tiền lại đổ về nước Anh như một quy luật tất yếu. Giải đấu cao nhất nước Anh đang trở thành mỏ vàng hấp dẫn nhất của bóng đá thế giới.
5 CLB GIÀU NHẤT THẾ GIỚI |
5 ĐIỂM NHẤN CỦA DANH SÁCH M.U sẽ giành lại vị trí số 1 M.U không được dự Champions League, bị loại khỏi mọi đấu trường mà mình tham gia từ sớm, vậy nhưng họ vẫn lừng lững đứng ở vị trí thứ nhì trong danh sách. Các chuyên gia nhìn nhận nếu họ trở lại Champions League vào cuối mùa này, họ toàn toàn có thể vươn lên vị trí thứ nhất trong 2 năm nữa. Đấy là vì Real Madrid gần như đã khai thác đến cạn kiệt hết những tiềm năng kiếm tiền của họ. Trong khi doanh thu từ bản quyền truyền hình và thương mại của M.U có thể sẽ còn tăng lên nữa. Thành tích không quyết định Man City vô địch Premier League, Atletico vô địch La Liga, nhưng họ vẫn xếp sau những “bại tướng” của mình trên sân cỏ trong danh sách này. M.U tuy sa sút nhưng vẫn gút được hợp đồng quảng cáo kỷ lục với General Motors. Adidas cũng hào phóng gút luôn hợp đồng tài trợ 10 năm cho họ với giá 750 triệu bảng. Điều đó cho thấy, thành tích của đội bóng trong một mùa giải, không phụ thuộc quá nhiều vào thành tích của họ ở khoảng thời gian này. Newcastle vào Top 20 nhờ CĐV nhà Newcastle United xuất hiện một cách khá bất ngờ ở vị trí thứ 19 trong BXH của Deloitte và xếp thứ 7 nếu chỉ riêng các CLB đến từ Anh Quốc. Sở dĩ bất ngờ vì trong suốt 2 mùa bóng gần đây ông chủ Mike Ashley gần như không thể gút lại được một bản hợp đồng lớn nào. Ngược lại ông còn dùng Newcastle để làm quảng cáo miễn phí cho công ty Sports Direct và những công ty khác của ông. Sự xuất hiện của Newcastle trong Top 20 chính là nhờ tiền mua vé vào sân của các CĐV. Stoke City giàu hơn… Lazio Các CLB Premier League tràn ngập trong Top 30 (chiếm 14 vị trí). Đấy là tính ưu việt của việc san sẻ bản quyền truyền hình, thay vì tiền cứ dồn về những đội mạnh như tại Tây Ban Nha. Nhờ tiền này mà Stoke có thể chiêu mộ được những ngôi sao như Bojan Krkic và đứng ở vị trí cao hơn trên BXH kiếm tiền nếu so với những CLB rất mạnh ở Italia như Lazio. Cách chia này cũng giúp Premier League trở nên cân bằng và hấp dẫn hơn. Sân nhỏ, tiền ít Mặc dù là nhà vô địch Anh trong vòng 3 năm qua, Man City cũng không thể chen chân vào Top 5 trong danh sách của Deloitte bất chấp tổng thu nhập của họ trong năm qua tăng 28% so với năm cũ, con số tăng đáng kể nhất trong 10 CLB cao nhất. Một trong những rào cản lớn nhất khiến Man City không thể vươn lên những vị trí cao nhất là sức chứa của sân Etihad. Nhưng kế hoạch nâng sức chứa của sân lên 62.000 người sẽ giúp Man City cải thiện thông số này. |