Premier League: Khi các tiền đạo thành những... bóng ma
1.Thế giới thời trang là một thế giới khép kín mang hình vòng tròn. Sự phát triển của nó là sự trở lại với quá khứ. Những xu hướng thời trang mới cũng chính là sự thay đổi của cái cũ. Chẳng thế mà bây giờ, thời trang càng phát triển người ta càng nhận ra mình đang trở lại với những ngày xa xưa. Thậm chí Roberto Cavalli, chủ một thương hiệu thời trang danh tiếng từng nói: “Thời trang là làm mới những cái cũ. Và có lẽ đến một ngày, thế giới thời trang sẽ về lại xuất phát điểm của nó, tức là càng... ít đồ trên người càng tốt”.
Nếu nói chiến thuật bóng đá là một thứ thời trang để khẳng định đẳng cấp của một đội bóng, của một thời kỳ, của một xu hướng, thì nó cũng giống như thế giới của Cavalli. Bóng đá đã phát triển đến giai đoạn cực thịnh, gần như không thể có sự sáng tạo nào hơn được nữa, khi “sơ đồ số” đã vận dụng hết, những sản phẩm kinh điển như Tổng lực, Cantenaccio, Libero… đã chết, đây là lúc bóng đá đi theo vòng quay của… thời trang. Sự trở lại của quá khứ và kẻ thắng sẽ là những người biết tạo ra cái mới từ những điều đã cũ.
2.Những thay đổi luôn bắt đầu từ những thất bại. Khi Anh thất bại tơi tả trước Hungaria năm 1953 (3-6), một câu hỏi được đặt ra: Sơ đồ WM của họ còn hữu dụng hay không? Và đội bóng đưa ra câu trả lời là Man City. Vẫn là WM, nhưng có sự cải tiến. Bắt đầu từ thành công ở đội trẻ, Johnny Williamson được đưa lên đội một dưới thời HLV Les McDowall trong vai trò tiền đạo lùi ở mùa 1953/54. Nhưng tiền đạo lùi đầu tiên được nổi danh như một giải pháp tấn công “tránh” sự o bế của các trung vệ đối phương là Don Revie ở Man City trong mùa giải 1954/55. Một lần nữa chiến thuật bóng đá Anh thay đổi bởi Liverpool sau thất bại tại tứ kết Cúp C1 mùa giải 1973/74 trước Sao đỏ Belgrade (2-4) bởi những pha phản công. Người Anh lại tự vấn mình về cách chơi bóng, rằng không thể cứ lao vào những khoảng trống để sút mà cần chơi bóng thực sự từ phía sau với những nhóm nhỏ.
Bill Shankly đưa ra một nguyên tắc chiến thuật mới: “Cầu thủ nào cũng có thể kiểm soát bóng và chuyền. Để tạo ra khác biệt, cần nhìn lại phía sau hơn là cứ nhắm mắt lao lên phía trước, cần tìm một người có khả năng giữ bóng và tạo khoảng trống cho tiền đạo”. Sơ đồ hai tiền đạo, trong đó có một tiền đạo ảo được manh nha xuất hiện, dù chưa thực sự định hình. Liverpool áp dụng cách đá đó và họ vô địch Anh mùa 1963/64, và lần đầu Shankly sử dụng ở châu Âu là trận gặp Anderlecht tại Cúp C1 1964/65, ngay sau trận giao hữu giữa Anh và Bỉ tại Wembley. Sau 2 trận gặp Anderlecht, Liverpool thắng 3-0 và 1-0…
Bóng đá Anh là thực dụng, là “kick and rush”. Nhưng thực tế họ chính là những “nhà tạo mẫu” đại tài với hàng loạt sản phẩm “làm mới quá khứ”. Người Anh đã áp dụng hầu hết những “tác phẩm” kinh điển của các trường phái bóng đá, và bây giờ họ cũng trở lại với Revie, Shankly cùng cách dùng tiền đạo kiểu mới.
3.Không phải đợi đến mùa giải năm nay, mà ngay từ mùa giải năm ngoái Premier League đã xuất hiện lối chơi tạm gọi là “tiền đạo sau tiền đạo”, hay kiểu tiền đạo hộ công. Mẫu tiền đạo săn bàn đơn thuần tồn tại, thống trị ở Premier League một thời gian dài với những Van Nistelrooy, Drogba… nay đã bị thay thế. Sau 3 vòng đấu đầu tiên, có thể thấy rõ đấu pháp này chính là sự trở lại của hai ý tưởng tấn công của Man City ở thập kỷ 50 thế kỷ trước và Liverpool thời Shankly. Từ Man Utd, Chelsea, Liverpool, Arsenal đến Swansea, Fulham, Newcastle… đều xuất hiện những tiền đạo chuyên làm bóng, với nhiệm vụ chính là quấy rối, làm tường, thu hút hàng phòng ngự đối phương, tạo khoảng trống mang tính “mở đường”. Thực tế, cách dùng tiền đạo kiểu này được Sir Alex “khám phá” từ lâu khi ông dùng cặp Yorke-Cole, nhưng đó giống như một thói quen, một phong cách phối hợp hơn. Và bây giờ Sir Alex mới thực sự coi đó là chiến thuật khi dùng Rooney đá hộ công phía sau 1 hoặc 2 tiền đạo.
Trong chiến thắng của West Ham trước Fulham tại vòng 3 Premier League, cần phải nhắc tới công lớn của Andy Carroll, dù anh không trực tiếp ghi bàn. Và khi Carroll rời sân, West Ham không ghi bàn được nữa. Khi Man City hạ QPR 3-1, Tevez như thường lệ không phải tiền đạo mũi nhọn. Dzeko là trung phong cắm, nhưng anh chỉ ghi 1 bàn và thường xuyên lùi sâu, và là người tạo ra bàn thắng thứ 3 (Tevez). Rồi Podolski ở Arsenal vốn là tiền đạo cánh, nhưng cũng rất hiệu quả khi chơi trong vai trò giống Tevez khi còn khoác áo Cologne.
Dempsey (Tottenham) lúc ở Fulham cũng tương tự như vậy. Swansea mới có Michu. Hay Borini, người được Liverpool đưa về như để thực hiện triết lý của Shankly, thành người mở đường cho Suarez…
Như vậy, tiền đạo đóng vai chim mồi đã có từ rất lâu, ngay tại Bayern mấy năm trước cũng có Klose, nhưng bây giờ nó đang thực sự thống lĩnh và tạo ra nét mới ở Premier League. Cứ chờ xem, rất có thể người thắng cuộc sẽ là kẻ áp dụng sáng tạo nhất triết lý của Shankly và Revie ở những thế kỷ trước…
CON SỐ
30.Sau 3 vòng đầu tiên (chưa tính 3 trận muộn), các tiền đạo (tính theo đăng ký vị trí thi đấu) mới chỉ ghi 30 bàn thắng trong tổng số 76 bàn.
20.Các tiền đạo có 20 đường chuyền, kiến tạo thành bàn sau 3 vòng đấu (tính cả những pha ngã kiếm penalty).
35.Tổng số đường kiến tạo của các tiền vệ là 35, chưa đủ gấp đôi so với các tiền đạo.
TEVEZ-DZEKO
Là cặp tiền đạo điển hình của triết lý Shankly, tái hiện lại sơ đồ của Les McDowall tại Man City thập kỷ 50. Dzeko là tiền đạo quấy nhiễu, Tevez thực chất đá hộ công.