Premier League ít cầu thủ trẻ: Trồng cây nhưng không... hái quả
CÂU CHUYỆN HARRY KANE
Chủ tịch LĐBĐ Anh (FA), Greg Dyke mới đây tuyên bố sẽ bổ sung các quy định, để bóng đá xứ sương mù có nhiều Harry Kane hơn. Thế nhưng, việc Kane vụt sáng, trở thành niềm hy vọng của bóng đá Anh xuất phát từ sự may mắn hơn là định hướng bài bản.
Bước vào mùa 2014/15, Kane chỉ là sự lựa chọn thứ 3 trên hàng công Tottenham. HLV Mauricio Pochettino thậm chí còn có kế hoạch cho mượn tiền đạo trẻ này, trong trường hợp Spurs chiêu mộ được Loic Remy. May mắn cho CLB chủ sân White Hart Lane là Remy sau đó chọn Chelsea và Kane được giữ lại. Tuy vậy, chỗ của tiền đạo 21 tuổi vào giai đoạn đầu mùa vẫn là băng ghế dự bị.
Dù đã chứng tỏ được năng lực dưới màu áo U21 Anh, nhưng ban đầu
Harry Kane chỉ được ra sân ở các sân chơi mà Tottenham xem là thứ yếu
như Europa League, Cúp Liên đoàn. May cho anh và cả bóng đá xứ sương mù
là những tiền đạo chủ lực của Spurs (Emmanuel Adebayor và Roberto
Soldado) thi đấu quá tệ. Nhờ vậy mà khi mùa giải đã đi được hơn 1/4
chặng đường, Kane mới có trận đấu đầu tiên được đá chính tại Premier
League, để rồi sau đó trở thành chân sút hàng đầu của giải đấu.
Điều gì sẽ diễn ra nếu Remy tới Tottenham, hay những tiền đạo như Adebayor và Soldado chơi tốt? Lúc đó, Harry Kane hẳn không phải là cơn cuồng phong như bây giờ và bóng đá Anh sẽ bỏ phí một tài năng lớn.
Câu chuyện Harry Kane cho thấy, các lò đào tạo Anh vẫn có thể cho ra lò những sản phẩm chất lượng. Chỉ có điều các CLB lại ngại ngần trong việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ, để rồi dẫn đến nhiều trường hợp bị thui chột tài năng. Chính cách làm theo kiểu trồng cây nhưng không hái quả đó đã khiến ĐT Anh rơi vào cảnh thiếu hụt nhân tài.
MẶT TRÁI CỦA SỰ GIÀU CÓ
Một
minh chứng nữa cho thấy lò đào tạo xứ sương mù hoạt động không đến nỗi
nào là việc các đội tuyển U17, U19 và U21 của họ thường thi đấu rất tốt
tại các giải trẻ châu Âu. Năm 2009, U21 Anh lọt vào chung kết giải U21
châu Âu gặp U21 Đức. Trong khi những chú Sư tử non năm đó như Micah
Richards, Lee Cattermole, Mark Noble… đến giờ vẫn ở dạng làng nhàng, thì
những người đồng trang lứa Manuel Neuer, Mats Hummels, Mesut Oezil của
bóng đá Đức đã là ngôi sao hàng đầu thế giới.
Quá
trình tụt hậu của các tài năng trẻ nước Anh đến từ việc ít được ra sân
cọ xát. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là sự giàu lên nhanh
chóng của Premier League. Với túi tiền rủng rỉnh, các CLB thích mua sắm
những cầu thủ đã trưởng thành hơn là kiên nhẫn rèn giũa các gương mặt
trẻ. Chính điều đó đã giết chết những tài năng đầy triển vọng. Trong số
các mầm non của bóng đá xứ sương mù, không phải ai cũng may mắn như
Harry Kane.
“Tre già, măng chưa mọc” Sự tăng giảm về số phút thi đấu của các cầu thủ trẻ 10 năm gần đây (tính ở 5 quốc gia có VĐQG hàng đầu) Trong 10 năm qua, số phút thi đấu của các cầu thủ ở độ tuổi dưới 21 tại Premier League đã giảm tới hơn một nửa. Trong khi đó, chỉ số này của Pháp và Đức tăng lần lượt 9,1% và 15,4%. Điều đó lý giải tại sao đội tuyển của hai quốc gia này lại thi đấu tốt ở các giải lớn, còn Tam sư rơi vào cảnh “tre già, măng chưa mọc”. |