Premier League 2014/15: Khi các ông chủ bỗng dưng dễ tính
Không còn “sát” HLV
Mùa bóng 2014/15 đã trôi qua thật “êm đềm” với các nhà cầm quân. Tổng cộng Premier League chỉ có 6 đội bóng “thay tướng giữa dòng”, trong đó, Crystal Palace “mua” Alan Pardew từ Newcastle với khoản tiền đền bù 3,5 triệu bảng, còn Harry Redknapp chủ động từ chức HLV QPR do sức khỏe. Thậm chí, trở lại giai đoạn Giáng Sinh, 20 chiến lược gia từ đầu mùa vẫn còn yên vị trên chiếc ghế của mình.
Những CLB thay HLV trong mùa giải 2014/15
Crystal Palace: Nei Warnock bị sa thải ngày 27/12/14, thay bằng Alan Pardew West Brom: Alan Irvine bị sa thải ngày 29/12/14,
thay bằng Tony Pulis Newcastle: Alan Pardew được chuyển nhượng sang Palace ngày 2/1/14
QPR: Harry Redknapp từ chức vì lý do sức khỏe ngày 3/2/15,
trợ lý Chris Ramsey thay thế Aston Villa: Paul Lambert bị sa thải ngày 11/2/15,
thay bằng Tim Sherwood Sunderland: Gus Poyet bị sa thải ngày 16/3/15,
thay bằng Dick Advocaat West Ham: Sam Allardyce chấm dứt hợp đồng ngày 24/5/15
|
Nhìn rộng hơn, Premier League chưa bao giờ ít sức ép đến thế cho các chiến lược gia, kể từ giai đoạn đầu đổi tên (mùa 1992/93 chỉ có 4 sự chia tay trên băng ghế huấn luyện, trong đó 2 người giải nghệ). Một năm sau, giải đấu này trở nên khốc liệt đến tàn nhẫn. Những thuyền trưởng khiến con tàu của đội nhà đi chệch quỹ đạo sẽ trả giá bằng chính chiếc ghế của mình. Ngay mùa thứ 2 của kỷ nguyên Premier League đã có 7 chiến lược gia mất ghế, trong đó chủ yếu tập trung vào những đội nằm trong nhóm nguy hiểm.
Mùa 1994/95, thời điểm Premier League vẫn có 22 đội bóng tham dự có thể coi là đỉnh điểm của “cuộc tàn sát” các HLV. Có tới 15 chiến lược gia rời ghế nóng, trong đó 8 người bị sa thải. Đó cũng là thời điểm HLV Arsene Wenger tiếp quản băng ghế huấn luyện tại Arsenal thay George Graham. Trong khoảng 2 thập kỷ kể từ đó tới nay, trung bình mỗi mùa giải có khoảng 9 nhà cầm quân phải ra đi.
Chính vì thế, con số 6 HLV phải rời băng ghế chỉ đạo sau khi mùa 2014/15 khép lại có thể xem là một hiện tượng.
Nguyên nhân vì sao?
Hiện tượng ấy chẳng phải ngẫu nhiên. Theo giáo sư Sue Bridgewater, giám đốc trung tâm nghiên cứu bóng đá của ĐH Liverpool thì “mùa trước chứng kiến lượng HLV bị sa thải cao nhất (12 người). Đó là thời điểm một loạt CLB thay tướng. Chính vì thế, những CLB này sẽ trung thành với HLV của họ và ít có xu hướng thay thế trong vòng 1 năm tiếp theo”.
Thêm vào đó, những đội bóng ở đáy BXH là Hull City và Burnley không có “nhu cầu” thay HLV bởi Steve Bruce và Sean Dyche là những người có công trạng ở CLB của họ. Bruce chính là người đã đưa “những chú hổ” từ giữa BXH Championship lên Premier League mùa trước, trong khi Dyche cũng giúp cho The Claret thi đấu ấn tượng, phá hàng loạt kỷ lục trong lịch sử CLB và giành quyền thăng hạng mùa giải năm ngoái.
Và cuối cùng, một nguyên nhân nữa khiến các đội bóng “dễ tính” hơn với các HLV, đó là bởi hiệu ứng domino. Khi nhận thấy chẳng mấy ai hứng thú sa thải các chiến lược gia, những vị chủ tịch cũng sẽ thận trọng hơn trong từng quyết định của mình.
Tuy nhiên, con số 6 ấy có lẽ chỉ là bề nổi, bởi tảng băng chìm hoàn toàn có thể trồi lên sau khi mùa giải đã khép lại, cũng giống như trường hợp Sam Allardyce mất việc chỉ ít phút sau khi West Ham để thua Newcastle ở lượt đấu cuối tối qua. Giờ mới là thời điểm tương lai của những Brendan Rodgers (Liverpool), Manuel Pellegrini (Man City), Bruce (Hull) hay John Carver (Newcastle) được đem ra cân đo đong đếm.