Quả penalty vốn là “sản phẩm” của môn Rugby, xuất hiện lần đầu vào năm 1888. Quả phạt đền chính thức đầu tiên trong môn bóng đá được ghi nhớ vào ngày 14/09/1891 được dành cho Wolves trong trận họ gặp Accrington (5-0). Quả penlty đầu tiên đó thành bàn và người thực hiện là Billy Heath. Nhưng khi penalty trở thành quả đá định mệnh, nó trở thành áp lực không nhỏ cho người thực hiện. Thậm chí có lúc ghi bàn từ chấm 11m còn khó hơn những pha ghi bàn khác. Chẳng thế mà đã có rất nhiều ngôi sao “chết” trên chấm 11m oan nghiệt như Baggio, Palermo, Terry, Beckham, Waddle…
Đã có hàng trăm cuộc khảo cứu về penalty với sự tham gia của các nhà khoa học tâm lý, vật lý, tốc độ, y học, phán đoán… Trong đó kết quả của Viện khoa học New York, Viện tâm lý học thể thao Massachusetts, và của kênh Discovery thực hiện được chú ý nhiều nhất.
Gabriel Diaz, tiến sĩ của Viện khoa học New York cho rằng, việc cản phá penalty phụ thuộc vào thủ môn, tỷ lệ cản penalty tốt hơn ở các thủ môn là tuyển quốc gia. Ông lắp 40 bộ cảm biến chuyển động trên 19 khớp của 3 cầu thủ chuyên nghiệp, để họ đá mỗi người 100 quả penalty. Kết quả là 27 chuyển động cơ thể được đoán biết trước thể hiện hướng quả bóng sẽ đi, từ hông, hướng bàn chân, cử động cánh tay… Và thủ môn chỉ đoán đúng bóng 18%.
Discovery thì đi giải bài toán: làm thế nào để đá penalty thành công. Một cuộc thực nghiệm tổ chức tại Đại học John Moores (Liverpool) được tiến hành với sự áp dụng của khoa học vật lý năng lượng và động lực. Kết quả rất cụ thể: bóng hướng về hai góc phải hoặc trái với vận tốc 90km đến 104km, chắc chắn thủ môn chỉ có đứng nhìn. Nếu vận tốc nhanh hơn, khả năng trượt cao, còn nếu chậm hơn thủ môn có thể cản được. Khoảng thời gian sút bóng tốt nhất sau khi trọng tài thổi còi là 4 giây, khoảng cách lấy đà hiệu quả nhất là 4 đến 6 bước trung bình. Nếu lấy đà quá 10m, tỷ lệ thành công sẽ rất thấp. Thời gian quyết định sút bóng tốt nhất là dưới 0,041 giây, còn nếu lâu hơn cơ hội ăn bàn thấp hơn 1 nửa.
Họ cũng thực hiện nghiên cứu đặc biệt tại ĐH Exeter (Anh) khi để cầu thủ đeo kính có theo dõi ghi lại chuyển động mắt. Với nhóm này, họ chia ra 2 phần: phần 1 là khuyến khích cầu thủ ghi bàn, phần 2 là treo thưởng 50 bảng cho người đá penalty tốt nhất. Kết quả là khi có áp lực, cầu thủ đá hỏng nhiều hơn 23%. Các nhà tâm lý học thể thao của ĐH Chichester cũng nghiên cứu với 40 cầu thủ đá penalty trong 1 tuần và chỉ dùng 1 thủ môn được trang bị các màu áo khác nhau. Kết quả: khi thủ môn mặc áo đỏ chỉ có 54% quả penalty thành công, màu vàng là 69%, xanh lá 72% và xanh da trời 75%. Đó là kết quả của tác động tâm lý màu.
Những kết luận đó chỉ để tham khảo chứ không giúp cầu thủ đá chuẩn hơn, thủ môn bắt hay hơn. Vì thế mới nói: đó là màn cân não mang tính hên xui. Xét cho cùng đá penalty phải có hỏng vui, hơn là cứ đá là vào!
Bongdaplus.vn