Những “chuồng cọp” chết chóc!
Có thể tạm cho rằng, Premier League đang là giải đấu có nhiều ngôi sao tuyến giữa nhất trong tất cả các giải VĐQG châu Âu. Đây cũng là giải đấu đánh dấu sự khác biệt cực lớn của các tiền vệ. Trong 13 cầu thủ dẫn đầu danh sách ghi bàn mùa 2012/13, có 5 người đá ở tuyến giữa (tính theo danh sách đăng ký vị trí). Trong 224 bàn thuộc về 13 chân sút dẫn đầu này, 5 tiền vệ có tới 80 bàn, tức là chiếm hơn 1/3 số bàn thắng của Top 13. Nếu thống kê toàn giải, Premier League 2012/13 có 1.063 bàn thắng thì các tiền vệ góp 346 bàn thắng. Cho rằng đã thành công, các CLB lại rủ nhau ào ạt đi mua tiền vệ. Mùa trước Premiership đã có dấu hiệu thừa thãi, mùa này nhiều khả năng nó sẽ trở thành cuộc khủng hoảng thừa.
Có lẽ chỉ ở Premier League có lắm ngôi sao trị giá nhưng đóng vai trò dự bị, không được thi đấu hoặc bị mang đi cho mượn như Kagawa, Walcott, Nasri, Marin, Essien, Ramires, Henderson, Dembele… Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Tại sao Moses ghi bàn mỗi khi vào sân mà vẫn mang kiếp dự bị. Tại sao Chelsea lại để Lampard dự bị đến nửa cuối mùa? Tại sao Man Utd có cả chục tiền vệ nhưng vẫn phải dùng Rooney đá lùi? Tại sao Liverpool mua 8 tiền vệ trong 2 năm qua mà vẫn thất bại? Ở Arsenal ai là thủ lĩnh, Cazorla hay Arteta? Đó chính là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng thừa.
Đã thế, mùa Hè năm nay, Premier League lại chứng kiến một cuộc đổ bộ đầy bão táp của các tiền vệ. Trong số những bản hợp đồng được chú ý nhất thời gian qua, hầu hết là các tiền vệ. Navas, Fernandinho (Man City), Schuerrle (Chelsea), Luis Alberto (Liverpool)… Và rất có thể sẽ còn có thêm nhiều tiền vệ nữa tới Anh. Khi đó, việc ứng xử và bố trí tuyến giữa sẽ là bài toán nan giải nhất cho mọi HLV. Và cách ứng xử với trào lưu này cũng sẽ quyết định phần lớn đến việc thành bại của họ.
Bayern có nhiều tiền vệ đẳng cấp nhưng Schwiensteiger là ông chủ. Dortmund có Guendogan, Reus. Real Madrid xoay quanh Ronaldo, Oezil. Barca vẫn là Iniesta, Xavi làm thủ lĩnh… Hầu hết mọi đội bóng Premier League đều kín đặc tài danh ở hàng tiền vệ, song không biết ai là người nắm vai trò thủ lĩnh. Đó chính là vấn đề lớn nhất về chiến thuật, cách xây dựng con người, khiến các CLB Anh thất bại ở châu Âu.
Mội đội bóng mạnh phải có sự cân bằng, nhưng nó phải dựa trên hệ thống được quy hoạch chi tiết với sự phân công rạch ròi vai trò thủ lĩnh. Premier League đang tự tạo bài toán ấy bằng cách tiếp tục vung cả trăm triệu bảng mua tiền vệ. Rồi đây, Man City sẽ xử lý ra sao với 14 tiền vệ đẳng cấp khi có thêm Navas, Fernaldinho. Chelsea làm gì với 12 cầu thủ tuyến giữa có cả Hazard, Mata, Schuerrle, Lampard, Essien, Oscar… Man Utd có 12 người khi Thiago Alcantara xuất hiện nhưng ai sẽ đá chính? Chắc chắn sẽ có cuộc cạnh tranh khốc liệt. Trên lý thuyết nó tốt cho đội bóng, nhưng mặt trái của nó sẽ phản tác dụng như một cái chuồng nhốt quá nhiều cọp. Và khi ấy sẽ có nhiều ngôi sao trị giá hàng chục triệu bảng sẽ bị bỏ xó.
Ranh giới giữa đủ đầy và thừa thãi, phung phí rất mong manh. Sự thành công không chỉ đến từ những con số, mà nó đến từ hệ thống. Đừng nhìn vào số lượng mà đánh giá chất lượng. Một đội bóng thi đấu có 4 đến 5 tiền vệ, nên họ ghi nhiều bàn thắng là chuyện dễ hiểu. Premier League cần tạo ra một hệ thống ổn định, với những thủ lĩnh xứng tầm chứ không phải là ào ạt mua sao rồi tạo ra những “chuồng cọp” khổng lồ đầy chết chóc.
TƯƠNG QUAN TUYẾN GIỮA CÁC ĐẠI GIA
Sức mạnh hàng tiền vệ phản chiếu rõ nét nhất thực lực các đội bóng. Dưới đây là tương quan hàng tiền vệ của 6 đại gia Premier League!
MAN CITY
Quân số: 10.
Tổng giá trị: 174,3 triệu bảng.
Thị giá cao nhất: David Silva - 35 triệu bảng.
Tân binh: Fernandinho - 28 triệu bảng và Jesus Navas-17,5 triệu bảng.
Những ngôi sao nổi trội cạnh tranh suất đá chính: Silva, Y.Toure, Garcia, Navas, Fernandinho; Barry; Nasri.
MAN UNITED
Quân số: 10.
Tổng giá trị: 107,8 triệu bảng.
Thị giá cao nhất: Kagawa và Nani, cùng 17,5 triệu bảng.
Tân binh: chưa có.
Những ngôi sao nổi trội cạnh tranh suất đá chính: Kagawa, Carrick, Cleverley, Valencia, Fletcher, Nani.
CHELSEA
Quân số: 15.
Tổng giá trị: 191 triệu bảng.
Thị giá cao nhất: Juan Mata - 39,5 triệu bảng.
Tân binh: Marco van Ginkel - 7 triệu bảng.
Những ngôi sao nổi trội cạnh tranh suất đá chính: Hazard, Oscar, Mata, Ramires, Mikel, Essien.
ARSENAL
Quân số: 8.
Tổng giá trị: 84,6 triệu bảng.
Trị giá cao nhất: Jack Wilshere - 29 triệu bảng.
Tân binh: chưa có.
Những ngôi sao nổi trội cạnh tranh suất đá chính: Cazorla, Wilshere, Arteta, Diaby, Ramsey, Rosicky.
LIVERPOOL
Quân số: 8.
Tổng giá trị: 73,9 triệu bảng.
Trị giá cao nhất:Lucas - 15 triệu bảng.
Tân binh: chưa có.
Những ngôi sao nổi trội cạnh tranh suất đá chính: Lucas, Coutinho, Gerrard, Henderson, Joe Allen, Downing.
TOTTENHAM
Quân số: 12.
Tổng giá trị: 119,7 triệu bảng.
Thị giá cao nhất: Gareth Bale - 44 triệu bảng.
Tân binh: Paulinho - 17 triệu bảng.
Những ngôi sao nổi trội cạnh tranh suất đá chính: Bale, Paulinho, Sandro, Parker, Dembele, Sigurdsson, Lennon, Holtby, Huddlestone.
CON SỐ:
11. Trong số 21 bản hợp đồng có chi phí chuyển nhượng (không tính mượn hoặc chuyển nhượng tự do) mà Premiership thực hiện đến hết tháng 6 ở Hè này, có tới 11 cầu thủ đăng ký thi đấu ở vị trí tiền vệ.
14. Mùa giải năm ngoái, theo danh sách đăng ký của Premiership, trung bình mỗi CLB có tới 14 tiền vệ. Trong khi ở Bundesliga, Bayern chỉ đăng ký 11 tiền vệ/đội.
71%. Theo danh sách đăng ký của các CLB Premiership mùa trước, số tiền vệ được ra sân ít nhất 10 trận trong cả mùa chỉ đạt 71%. Nếu tính số tiền vệ đá chính ít nhất 10 trận, tỷ lệ này chỉ còn 57%.