Người Anh đang quá phụ thuộc vào cầu thủ trẻ?
Đó là một đêm vật lộn đầy vất vả và gây thất vọng của đoàn quân của Roy Hodgson. May cho Tam sư vì họ còn có thể giữ được 1 điểm ở lại sau màn trình diễn được coi là thất bại của các cầu thủ trẻ, đặc biệt là Tom Cleverley trong nỗ lực tạo ra ảnh hưởng lên trận đấu. 90 phút trước Ukraine cho thấy, rõ ràng vấn đề là việc sử dụng các cầu thủ trẻ còn thiếu kinh nghiệm và chưa có sự sẵn sàng của Hodgson.
Vẫn cần phải nhắc tới Tom Cleverley như một ví dụ cụ thể, tiêu biểu nhất trả lời cho câu hỏi tại sao hàng tiền vệ ĐT Anh lại chơi tệ đến vậy trước Ukraine. Màn trình diễn của cầu thủ Man Utd không chỉ cho thấy anh không, hay có thể chưa đạt tầm như những, mà còn bộc lộ rõ nét khoảng cách vẫn còn khá xa giữa những ngôi sao tương lai của bóng đá đảo quốc Sương mù với một thế hệ được tôn sùng là “Thế hệ vàng”. Dù một sự thật là Cleverley, ở độ tuổi 23, không quá trẻ so với một vài tuyển thủ trong đội tuyển nhưng lại quá thiếu kinh nghiệm quốc tế.
Vấn đề cũng nằm ở đây. Người Anh dường như đã bỏ qua cái gọi là “Thế hệ vàng”, quá sớm.
Alex Oxlade-Chamberlain, mới 19 tuổi, đã có 7 trận khoác áo Tam sư và đang bắt đầu được "đổ xi măng" vào vị trí xuất phát ở cả ĐTQG và câu lạc bộ. Khi Theo Walcott và Daniel Sturridge, cùng 23 tuổi, không thể xỏ giày, Raheem Sterling (17 tuổi), Ryan Bertrand (23) và Adam Lallana (24) đã được Hodgson gọi bổ sung. Và con số 57 trận chơi cho đội tuyển ở cấp đội trẻ của 3 cái tên vừa nêu trên, trong đó chỉ duy nhất Bertrand có 2 trận chơi cho ĐTQG là quá đủ để nói lên vấn đề của Tam sư: “ép chín” các cầu thủ trẻ, không cho họ “thực hành” nhiều hơn trước khi có thể chững chạc xuất hiện trong đội hình đội tuyển ở độ tuổi khoảng 23, 24.
Raheem Sterling đang là một hiện tượng thú vị tại Premier League mùa này. Tiền vệ mới 17 tuổi đã khiến đàn anh Stewart Downing mất vị trí ở hành lang trái của Liverpool, và sau đó nhận được cú điện thoại đầy bất ngờ từ Roy Hodgson. Một sự đặc cách khó tin của cựu HLV Liverpoppl bởi Sterling, trước khi đĩnh đạc bên cạnh các đàn anh trên đội tuyển, chỉ là thành viên của ĐT U.17 Anh và chưa xuất hiện ở 2 cấp độ U.19 và U.21 (chỉ mới được triệu tập hồi đầu tháng 10).
Mặc dù Hodgson cho biết Sterling sẽ không được ra sân phút nào, nhưng quyết định của ông cho thấy một xu hướng tại Anh, đó là cho các cầu thủ trẻ “nhảy cóc” thẳng từ đội trẻ cấp thấp lên đội hình một.
Xu hướng này, dẫn tới nhiều sự tiêu cực hơn là tích cực. Thứ nhất, khiến các cầu thủ bị đặt lên vai quá nhiều gánh nặng của sự kỳ vọng, vốn phần lớn được tạo ra bởi giới truyền thông trước khi họ đạt được độ chín về thể lực cũng như nền tảng kỹ thuật. Thứ hai, không chỉ gây tổn hại cho cá nhân cầu thủ, mà khiến cơ hội thành công của ĐT Anh tại các giải thi đấu quốc tế bị thu hẹp hơn.
Một trong những lý do dẫn tới sự thành công của đội tuyển Tây Ban Nha những năm qua là các tuyển thủ của họ đã gắn bó với nhau từ các cấp độ trẻ của đội tuyển, do đó tạo ra một tập thể đồng nhất, có sự hiểu biết ẫn nhau.
Đội tuyển Anh, lại là hình ảnh trái ngược khi không cho các tài năng tương lai phát triển cùng nhau. Thay vào đó, là sự cố gắng lắp ghép một số ít các cựu binh (Gerrard, Lampard, Ashley Cole hay Terry) với những người còn non kinh nghiệm. Điều này có thể lý giải tại sao, người Anh cũng sở hữu những cá nhân xuất sắc nhưng lại liên tục ghép họ thành một khối, dẫn đến thất bại trong các giải đấu lớn gần đây.
Vậy ai thực sự có lỗi? Frank Lampard và Steven Gerrard, hai người có tổng cộng 190 trận chơi cho ĐTQG, hay Tom Cleverley vì anh chưa thực sự sẵn sàng khoác áo Tam Sư?