Ngoại hạng Anh, giải đấu của những siêu cường
Ngoại hạng Anh - giải đấu của những siêu cường
Một Superleague đang dần hình thành trên nền tảng Premier League – giải đấu vốn dĩ đã hấp dẫn nhất hành tinh. Bản quyền truyền hình tăng tới 70% giá trị nhanh chóng đưa 20 đại biểu Ngoại hạng Anh lọt top 40 CLB giàu có nhất thế giới. Kết quả là cuộc chơi chuyển nhượng không còn dành riêng cho M.U, Man City hay Chelsea nữa. Bất kì một CLB nào ở giải Ngoại hạng đều có thể sở hữu những ngôi sao hàng đầu.
Khái niệm top 4 ở Premier League đã bị đẩy lui vào dĩ vãng từ rất lâu. Giờ đây, người ta thích nói đến top 5, top 6 hay top 7 hơn, với những Liverpool, Tottenham hay thậm chí là một Arsenal từng chịu tiếng “mua rẻ bán đắt” đều đang ních đầy tiền trong két sắt. Chỉ sợ thiếu cầu thủ giỏi, chứ đã thích thì người Anh chẳng ngại thiếu tiền.
Thời thế đã đổi thay đến mức ngay cả những đội hạng yếu từng là ứng viên rớt hạng như Crystal Palace cũng có thể chiêu mộ được ngôi sao tầm cỡ Yohan Cabaye, hay như Stoke mua Xherdan Shaqiri và Ibrahim Afellay. Thậm chí, CLB miền Trung nước Anh đang sở hữu tới 5 nhà cựu vô địch châu Âu trong đội hình, ngang bằng 2 “đại gia” M.U, Chelsea và cao hơn mọi đội bóng Premier League khác.
Những đội bóng sở hữu nhiều nhà vô địch châu Âu nhất nước Anh
5 nhà vô địch châu Âu của Stoke City: Marc Muniesa, Ibrahim Afellay, Bojan Krkic (Barca), Xherdan Shaqiri (Bayern), Marko Arnautovic (Inter Milan). |
Tất nhiên, nghe thì dữ dội là thế nhưng tổng thời lượng thi đấu của 5 “nhà vô địch” kể trên ở các trận chung kết Champions League chỉ là vỏn vẹn… 1 phút. Họ đều là những cầu thủ dự bị, nhưng dự bị ở đội bóng lớn thì cũng vẫn cứ thuộc hàng có số có má.
Chẳng thế mà ngay ở vòng đầu tiên của giải Ngoại hạng Anh 2015/16, hàng loạt đội bóng lớn đã sảy chân trước những kẻ thấp cổ bé họng. Có ngẫu nhiên hay không khi khoảng cách giữa top 5 với phần còn lại gần như đã chẳng còn. Cứ nhìn cái cách Swansea đá đôi công với Chelsea ngay tại Stamford Bridge, Stoke chơi trên chân Liverpool và chỉ chịu thua phút chót hay West Ham hạ gục Arsenal tại Emirates thiêng liêng thì biết.
Arsenal gục ngã trước West Ham lần đầu tiên sau 9 năm
Áp lực khủng khiếp
Người ta tính sơ sơ, với mức phí bản quyền truyền hình lên tới 5 tỉ bảng như hiện tại thì chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi, lương trung bình của 20 đội bóng Ngoại hạng sẽ lên tới… 100.000 bảng/tuần, còn lương trung bình ở các CLB lớn như M.U, Chelsea, Man City và Liverpool là gấp đôi, 200.000 bảng. Thậm chí, mức lương tối đa một cầu thủ ở xứ sương mù được nhận có thể lên đến con số điên rồ 500.000 bảng/tuần!
Nói thế để thấy rằng giải Ngoại hạng Anh đang là mảnh đất “hái ra tiền”. Mọi CLB hạng dưới đều mong muốn một ngày được dự giải đấu này để đổi đời, còn những CLB đã góp mặt ở đây thì không đời nào chịu dễ dàng từ bỏ “mỏ vàng” Premier League. Dĩ nhiên, kết quả là sức ép từ mỗi trận đấu, mỗi đối thủ sẽ trở nên vô cùng nặng nề, kể cả với Chelsea, Man City hay Arsenal.
Thêm nữa, khoảng cách thực lực giữa các đội bóng lớn và đội bóng nhỏ ở giải đấu số một nước Anh cũng đã được rút ngắn, bởi tài chính không còn là thế mạnh riêng của top 5. Những trận đấu sẽ trở nên cân bằng hơn, nhọc nhằn hơn, hao tổn nhiều thể lực hơn. Sẽ không còn có nhiều chức vô địch vượt trội như Chelsea mùa 2014/15, và câu chuyện “bất bại” của Arsenal mùa 2003/04 từ nay sẽ trở thành cổ tích.