Mourinho cần thay đổi điều gì ở mùa giải tới?
Tình hình có thể đã rất khác. Trong vài tháng đầu mùa này, Chelsea của Mourinho chơi thứ bóng đá giàu cảm xúc, đạt hiệu suất xấp xỉ 3 bàn một trận, chính xác là từ tháng 8 tới tháng 12. Và không chỉ có thế, người đàn ông tóc muối tiêu bên đường pitch như trở thành một con người khác hoàn toàn với chính ông: Luôn tươi cười; không còn cố gắng gây sức ép lên trợ lý trọng tài; và cũng không tới phòng họp báo với thái độ cay độc, chán nản.
Những biểu hiện nhỏ thôi, đi kèm với những màn trình diễn đầy ấn tượng của CLB Tây London. Người ta đã mường tượng rằng có một sự thay đổi to lớn ở Mourinho. Nhà cầm quân "đanh đá" này đã vứt bỏ hình ảnh thực dụng tiêu cực để hướng tới phong cách “sexy football” như mong muốn của Roman Abramovich.
Vậy nhưng, khi bước vào giai đoạn nước rút, Chelsea bắt đầu thu về những kết quả bất lợi, Mourinho lập tức trở lại đúng bản chất. Ông chỉ trích Sky Sports và FA, những đơn vị cầm đầu “chiến dịch chống lại The Blues”. Trên sân, ông biến đội bóng của mình trở thành một tập thể phòng ngự thực dụng. Đỉnh điểm của “phong cách Mourinho” là trận hòa PSG tại Stamford Bridge. Chelsea không thể, hoặc không sẵn sàng tạo ra bất kỳ cơ hội nào từ bóng sống trong suốt 90 phút được thi đấu hơn người.
Điều này không khiến nhiều người ngạc nhiên. Có chăng, người ta bất ngờ vì tư duy quen thuộc đó không đem lại hiệu quả cho đội bóng của Mourinho như thường lệ. Chelsea dù đã chủ trương phòng ngự và được chơi hơn người, nhưng vẫn tỏ ra luống cuống và dễ tổn thương.
Chelsea đã thực dụng, nhưng vẫn không hiệu quả
Bốn ngày sau đó, Chelsea tiếp tục bị Southampton cầm hòa cũng trên sân nhà. Đoàn quân của Ronald Koeman nhập cuộc bằng chính những gì Chelsea không có: Sức sống mãnh liệt trong lối chơi và tinh thần sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Sau trận đấu, Mourinho có nói về quyết định đưa Ramires vào sân trong hiệp 2, nhờ đó “tiêu diệt những cơ hội phản công của đối phương và kiểm soát thế trận”. Ngôn ngữ của Mou là như thế, “kiểm soát”, “tiêu diệt”. Tuyệt nhiên không có từ “sáng tạo”.
Bản năng chiến thuật của nhà cầm quân người Bồ cũng thể hiện trong những câu phỏng vấn sau trận hòa PSG: “Khi một đội bóng để thủng lưới 2 bàn từ phạt góc, đội bóng đó không đáng giành chiến thắng”. Quan điểm của ông rất rõ ràng: Chelsea thất bại vì không thể kiềm chế được đối thủ, thay vì không thể giành chiến thắng.
Nếu có một “nạn nhân” trong quá trình “xấu xí hóa” Chelsea của Mourinho, đó sẽ là Cesc Fabregas. Anh từng là cơn ác mộng với mọi hàng phòng ngự, có tới 14 pha kiến tạo trong 20 vòng đấu đầu tiên, thế rồi 11 vòng trở lại đây, tiền vệ này chỉ có duy nhất 1 lần kiến tạo thành bàn. Đó có thể là sự sa sút phong độ của chính Fabregas, có thể bởi chính sách xoay vòng thường xuyên hơn để bảo toàn thể lực của Mourinho, nhưng chính chiến thuật phòng ngự tiêu cực của ông thầy người Bồ mới là yếu tố chính tác động tới khả năng sáng tạo của cậu học trò.
Có vẻ quá khe khắt khi chỉ trích một nhà cầm quân đã giúp đội bóng của ông gần như đoạt chức vô địch quốc gia sớm 3 tháng trời, nhưng lẽ ra, với cái đà đó, Chelsea chí ít phải giành quyền vào tới vòng tứ kết cúp châu Âu.
Mourinho đã "làm hại" Fabregas?
Hôm Chủ Nhật, Mourinho khẳng định niềm tin của ông dành cho đội hình hiện tại của Chelsea là “không thể lay chuyển”, bởi nó có đủ sự thận trọng ông mong muốn. Việc tin dùng Gary Cahill thay vì David Luiz nói lên tất cả. Luiz có nền tảng kỹ thuật gấp 10 lần Cahill, nhưng lại thua xa trung vệ người Anh về kỉ luật chiến thuật, và chỉ chừng đó là đủ để anh không bao giờ được Mourinho tin tưởng.
Nhưng tấm vé đi tiếp của PSG đã chứng tỏ rằng đặt niềm tin vào Luiz không phải sai lầm. Mở rộng ra, thất bại của Chelsea tại Champions League mùa này nói lên rằng chính sách thận trọng của Mourinho đã không hiệu quả. Họ lẽ ra nên đặt niềm tin vào lối chơi sáng tạo của giai đoạn đầu mùa.
Một đội bóng muốn thành công luôn cần tới sự cân bằng, nhưng mùa giải năm nay, nhân tố quan trọng nhất của Chelsea lại là cầu thủ ít có xu hướng phòng ngự nhất, Eden Hazard. Và giai đoạn mà tiền vệ người Bỉ chơi thăng hoa nhất cũng đồng thời là lúc bộ đôi Fabregas và Oscar ít phải gánh trách nhiệm phòng ngự nhất để tập trung hỗ trợ tối đa cho anh.
Ưu tiên hàng đầu của Mourinho cho mùa bóng tiếp theo không cần thiết phải là cải thiện khả năng phòng ngự ở những tình huống cố định hay chống phản công, mà là làm thế nào hồi sinh được sự sáng tạo ở bộ ba Fabregas-Oscar-Hazard, cũng như tinh thần của một đội bóng chiến thắng. Những kết quả tốt sẽ đến dễ dàng hơn nếu những đôi chân The Blues được tháo bỏ xiềng xích và trở lại thăng hoa như giai đoạn đầu mùa.