
Chóng vánh và quyết đoán, đó là cách xử lý của lãnh đạo QPR trong việc sa thải HLV Neil Warnock và tìm kiếm, bổ nhiệm HLV trưởng mới. Thế nên, có lẽ cũng từ cách làm việc rất chuyên nghiệp ấy của ông chủ Tony Fernandez, Mark Hughes đã dễ dàng bị thuyết phục để ký một bản hợp đồng có thời hạn 2 năm rưỡi dẫn dắt đại diện mới thăng hạng của Thủ đô London.
Ở đây, có lẽ không nên bình luận về vai trò của “siêu cò” Kia Joraabchian. Nếu được chọn, chắc Kia muốn bến đỗ cho Mark Hughes phải là Chelsea hay Arsenal. Nhưng cuộc sống là vậy. Hughes dường như hợp với các đội bóng nhỏ và vừa.
So với các ông lớn London khác như Chelsea, Arsenal hay Tottenham, đương nhiên QPR chẳng thể so sánh. Song ít ra, nhìn vào tiềm lực tài chính của đội bóng này qua cách họ tiếp cận TTCN mùa Hè 2011, người ta có thể thấy được phần nào quyết tâm và tham vọng vươn lên ở sân khấu Premiership.
Và đó là lý do, cũng là động lực để Hughes cập bến Loftus Road, nơi sau quãng thời gian rỗi việc khá tai tiếng từ mùa Hè, chiến lược gia người Xứ Wales phải sớm tìm cách lấy lại hình ảnh của một HLV cá tính và từng thành công.
Trong nghiệp cầm quân của mình, Hughes đã trải qua cả môi trường CLB lẫn ĐTQG và ở đâu ông cũng gặt hái thành công nhất định. Nhưng QPR có những điểm khác biệt, bất chấp để hoàn thành được cả núi công việc phía trước, cựu HLV của Man City đã mang về Loftus Road ê-kíp thân quen gồm các trợ thủ Mark Bowen, Eddie Niedzwiecki và Kevin Hitchcock (HLV thủ môn).
Cái khó thứ nhất với Mark Hughes chính là đưa QPR nhanh chóng trở lại đường ray chiến thắng để thoát dần khỏi vùng cận kề nguy hiểm. Giải bài toán quá khó này đỏi hỏi dấu ấn tài năng và kinh nghiệm tức thì của vị tân thuyền trưởng. Nói không quá, đây chẳng khác nào chơi dao – một con dao hai lưỡi!
Cái khó thứ hai, với Mark Hughes, để đạt mục tiêu trên, là phải nhanh chóng chiếm lĩnh được phòng thay đồ ở sân Loftus Road – nơi có những ngôi sao dù bị thất sủng ở nhiều nơi song lại luôn gây ồn ào ở QPR như Joey Barton, Anton Ferdinand, Wright-Phillips hay Kieron Dyer… Nhiệm vụ này, về lâu dài, mới thực sự là thách thức lớn nhất với Hughes. Trước nay, Hughes thường trổ tài thành công ở những đội bóng ôn hòa. Còn lần này thì sao?
Và cái khó thứ ba, cũng với Mark Hughes, là sử dụng sao cho hiệu quả ngân sách chuyển nhượng mùa Đông này. Tính hiệu quả không đơn giản là mua về được nhiều ngôi sao giá rẻ, mà quan trọng hơn, đó là phải đưa về được những tân binh hòa nhập được ngay với tư duy bóng đá rất thực tế của ông.
Nói tóm lại, cuộc sống phía trước sẽ không vui và không đẹp như những gì vừa diễn ra giữa Mark Hughes và BLĐ QPR khi họ ký hợp đồng. Bóng đá thời nay, chẳng ai nói hay bằng kết quả trên sân.
HỌ ĐÃ NÓI
Tony Fernandes (Ông chủ QPR): “Kinh nghiệm, tài năng và quá khứ thành công của ông ấy là một bảo đảm tuyệt vời cho tương lai của đội bóng. Chúng tôi đã ngồi với nhau và rất nhất trí về định hướng phát triển…”.
Kia Joraabchian (đại diện pháp lý của HLV Mark Hughes): “Mark Hughes khao khát được trở lại với cuộc sống bóng đá, sau vài tháng nghỉ ngơi nạp năng lượng. Cam kết từ lãnh đạo QPR sẽ là tiền đề để ông ấy thể hiện mình…”.
Mark Hughes (tân HLV trưởng QPR): “Tôi rất phấn khích khi lại được hòa cùng nhịp đập của trái bóng. Tin tôi đi, với quyết tâm và tham vọng của toàn đội bóng, chúng tôi sẽ tìm ra đường riêng cho mình để tới thành công…”.
Alan Hansen (BLV của BBC): “Hughes là một trong số ít HLV tài năng và giàu kinh nghiệm còn rảnh rỗi. QPR đã rất khôn ngoan và đúng lúc khi quyết định mời ông về dẫn dắt. Đưa một đội bóng tầm trung tới thành công trước giờ là sở trưởng của Hughes. Tôi tin, QPR sẽ tiến xa với ông ấy…”.
Bongdaplus.vn