Lí giải việc Man City chú trọng chiêu mộ Richard Wright
Thời điểm đó, The Gunners ngắm Wright trở thành người thay thế của David Seaman. Mùa 2001/02, Wright còn có khá nhiều cơ hội ra sân trong màu áo CLB Bắc London khi Seaman dính chấn thương. Nhưng việc mắc những sai lầm liên tiếp khiến Wright bị Arsenal bán cho Everton sau chỉ 1 năm thuộc biên chế của họ.
Trong màu áo ĐT Anh, Wright cũng chẳng có duyên mấy. Anh góp mặt trong thành phần đội bóng xứ Sương mù dự EURO 2000, giải đấu mà họ bị loại từ vòng bảng. Song kể từ năm 2003 đến nay, Wright không được triệu tập thêm lần nào. Thực tế thì cái tên của Wright đã bị giới mộ điệu lãng quên kể từ khi anh chuyển tới khoác áo những CLB hạng dưới như Southampton, Ipswich, Sheffield United hay Preston.
Sau khi chia tay Preston, Wright từng nghĩ đến chuyện treo găng để có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Những rồi Man City gửi cho Wright một lời đề nghị và ngay lập tức anh đồng ý. Wright đang hy vọng rằng anh sẽ làm lại sự nghiệp trong màu áo The Citizens và được trở lại ĐT Anh?
Đương nhiên là không. Người đàn ông gốc Ipswich này thừa hiểu rằng anh sẽ không bao giờ đủ sức cạnh tranh vị trí ở đội 1 Man City với 2 thủ thành trẻ hơn mình là Joe Hart và Costel Pantilimon. Thực tế, CLB chủ sân Etihad không hề kí hợp đồng với Wright vì lí do chuyên môn. Họ chọn Wright đơn giản bởi anh là một người Anh và được tính là một cầu thủ “home-grown” (“home-grown” là cầu thủ đã chơi cho một đội bóng xứ Sương mù ít nhất 3 mùa trước thời điểm bước sang tuổi 21).
Theo luật của BTC Premier League, mội đội cần đăng kí một danh sách gồm 25 cầu thủ cho đội 1 trong đó bắt buộc phải có 8 cầu thủ “home-grown”. Trước khi Wright đến, Man City đã có 7 cầu thủ “home-grown” là Joe Hart, Micah Richards, Joleon Lescott, James Milner, Scott Sinclair, Jack Rodwell, Gareth Barry.
The Citizens có thể đăng kí thêm những tài năng được họ mua khi mới 16, 17 tuổi hoặc thậm chí ít hơn là Abdul Razak, Michael Johnson, Alex Nimely… Tuy nhiên, những cầu thủ này đều chơi ở những vị trí mà nửa xanh thành Manchester đã có thừa. Bởi vậy, họ quyết định đưa Wright về Etihad và cho anh giữ suất “home-grown” thứ 8.
Jack Rodwell
Trước Man City, Chelsea cũng đã làm điều tương tự khi tuyển mộ Ross Turnbull theo dạng chuyển nhượng tự do sau khi anh hết hợp đồng với Middlesbrough năm 2009. Giống như Wright, trình độ và khả năng đóng góp của Turnbull bị đặt dấu hỏi lớn. Song quan trọng là anh giúp The Blues đáp ứng được bộ luật của BTC Premier League về số lượng cầu thủ “home-grown” đăng kí cho danh sách đội 1.
Sau 3 năm gắn bó với Chelsea, Turnbull đã sưu tập được 3 chiếc huy chương cao quý (2 FA Cup và 1 Champions League) khi góp mặt trên băng ghế dự bị của The Blues ở các trận chung kết. Đó rõ ràng là một phần thưởng lớn đối với chàng trai sinh ra ở Bishop Auckland.
Wright có lẽ cũng đang mơ sẽ được như Turnbull. Wright đã có một tấm huy chương Premier League mùa 2001/02 cùng Arsenal. Song anh chưa từng giành FA Cup và Champions League. Wright có thể sẽ có đoạt được những danh hiệu ấy cùng Man City…