Lăng Kính: Xin chào, Way-new Rooney !
1.Robin van Persie không phải dạng cầu thủ hiền lành. Cái thời mà CĐV Arsenal còn chưa coi tiền đạo Hà Lan như một người hùng, anh đã từng đóng vai kẻ phá hoại.
Đó là tháng 12/2008, đội trưởng William Gallas lên báo và không ngớt lời nhiếc móc “một cầu thủ kém tôi 6 tuổi” đã công khai chống đối anh trong phòng thay đồ. Theo Gallas, nhiều cầu thủ khác cũng than phiền với anh về thái độ của “cầu thủ 25 tuổi” này.
Năm 2008, đội hình Arsenal có Van Persie, Adebayor và Eboue ở độ tuổi 25. Nhưng căn cứ vào thái độ của Gallas lúc đó, số đông đã có đáp án. Trong trận thắng Tottenham tháng đó, Gallas và các “đàn em” Sagna, Clichy không ăn mừng trong cả 2 bàn thắng của Van Persie, mà đi bộ lững thững ở sân nhà.
Cánh phóng viên đem chuyện đi hỏi Van Persie. Anh trả lời với thái độ thách thức: “Tôi không biết. Anh ta chưa bao giờ nói trực tiếp với tôi điều đó, tôi cũng không nhìn thấy tên mình trên mặt báo. Với tôi, chuyện này là vô nghĩa”.
Kết quả là Gallas bị HLV Wenger tước băng đội trưởng và bị phạt 2 tuần lương vì “vạch áo cho người xem lưng”, bị CĐV Arsenal lên án vì phá hoại tình đoàn kết dù mang danh đội trưởng.
2.Wayne Rooney nổi tiếng hơn nhiều so với Van Persie vì thái độ ngạo mạn. Hay chính xác hơn, nổi tiếng hơn bất kỳ cầu thủ Premier League nào, kể cả Cristiano Ronaldo.
“Máy sấy tóc” Alex Ferguson thường xuyên phải bật chế độ “gió thoảng” trước Rooney. Chuyện của anh kể cả ngày không hết. Nhưng chuyện quan trọng nhất: Rooney thích đá cắm.
Năm 2009, Pele chỉ trích Ferguson vì không khai thác hết tài năng của Rooney. Thế là Ferguson công khai xin lỗi Rooney. Người ta hiểu rằng Ferguson chẳng phải ngại gì Pele, mà ông ngại Rooney. Anh luôn là người thích thể hiện bản thân, và việc phải làm vệ tinh cho Van Nistelrooy, Ronaldo khiến anh không chịu nổi.
Robin van Persie xuất hiện khiến vấn đề ấy trở nên nghiêm trọng. Mới thoát được cái “ách” của Ronaldo chưa lâu, giờ Rooney sẽ phải chạy quanh Van Persie, vì cầu thủ người Hà Lan không có sở trường đá lùi.
Rất nhiều nhà chuyên môn đã lo ngại tình trạng “giẫm chân nhau” của song sát này. Đặc biệt khi họ đều là những cá tính rất mạnh, những kẻ ngạo mạn không thích hy sinh vì người khác.
3.Nhưng hôm qua, Rooney khẳng định Robin van Persie chính là “linh hồn” của Man United (nguyên văn: talisman - lá bùa) và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đội hình Quỷ đỏ phải hoạt động xung quanh tiền đạo người Hà Lan.
Chính cầu thủ ấy, cách đây hơn một năm, còn vùng vằng đòi rời Man United để sang Man City. Chính cầu thủ ấy, đã hơn một lần phải lên tiếng xin lỗi CĐV vì cách cư xử bốc đồng. Chính cầu thủ ấy, mới đến tận gần đây vẫn còn là biểu tượng cho những “cái đầu nóng” của làng bóng đá Anh (trước khi Balotelli cướp mất ngai vàng của sự đồng bóng).
Mọi chuyện dường như đã thay đổi. Ông bố trẻ con Wayne Rooney đã trưởng thành. Man United đang có một thủ lĩnh đích thực, thay vì một cầu thủ mà khả năng gây mâu thuẫn hậu trường nhiều tương đương khả năng ghi bàn.
Chính sự trưởng thành ấy, khả năng nghĩ cho cái chung ấy, mới là chi tiết quan trọng nhất làm nên sức mạnh cho hàng công Man United. Van Persie chỉ là người trực tiếp ghi bàn. Còn người kiến tạo nên những pha lập công, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, cả chiến thuật và thái độ của toàn đội, cả ngoài sân lẫn trong phòng thay đồ, là Wayne Rooney.
Xin chào, Way-new Rooney. Một Rooney biết cư xử theo cách rất mới!