1. Cựu tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Franklin, người có lẽ là sở hữu khuôn mặt nổi tiếng nhất thế giới (vì ông xuất hiện trên giấy bạc 100 USD), từng nói một câu sau này trở thành chuẩn mực: “Thời gian là tiền bạc”.
Thoạt nghe, câu này rất đúng đắn. Nhưng vẫn có người không đồng ý với Franklin. Ví dụ như Jim Rohn, nhà diễn thuyết nổi tiếng đồng hương của cựu tổng thống Mỹ. Ông bảo rằng: “Thời gian quan trọng hơn tiền bạc. Tiền thì kiếm thêm được, chứ thời gian thì không”.
Câu của Jim Rohn có vẻ tôn vinh thời gian một cách chuẩn xác hơn. Và nó cho người ta một cách nhìn khác về những đồng tiền được đầu tư sai lầm: khi một dự án thất bại, số đông có xu hướng nhìn về giá trị vật chất đã bị mất đi, mà không nhận ra rằng thời gian để mình vứt số tiền ấy qua cửa sổ còn đáng quý hơn nhiều.
Việc Fabio Capello bất ngờ rời cương vị HLV ĐT Anh trước VCK EURO 2012 vì những mâu thuẫn với FA, báo chí Anh đồng loạt xót thương số tiền 24 triệu bảng đã bị tiêu tốn để trả lương cho ông thày người Italia. Nhưng có một thứ cần xót thương hơn: 4 năm đã mất đi.
2. Có thể nói, 24 triệu bảng là số tiền lớn đối với ngân sách của FA, nhưng nếu không phải Capello, thì họ cũng phải dùng tiền để trả lương cho một HLV nào khác. Có thể thuê người khác sẽ tốn ít hơn chút đỉnh, nhưng dù thế nào chăng nữa, khi khẳng định rằng “FA đã mất không 24 triệu bảng” là nói sai.
Chính xác phải nói rằng Capello ra đi trong lúc này, FA sẽ mất toi hơn 4 năm phát triển đội tuyển Anh. Trong suốt thời gian ấy, Capello không tạo được chiến tích đáng kể nào cùng Tam sư, nếu không muốn nói là chỉ chuốc lấy ê chề. Còn nền tảng? Nếu có thì cũng rất ít, và phải do chính Capello tiếp tục phát triển theo ý đồ của mình thì may ra mới có chút hy vọng.
Hãy so sánh: khi Juergen Klinsmann từ chức ở đội tuyển Đức sau VCK World Cup 2006, ông đã để lại cho nền bóng đá này những gì? Một thế hệ tuyệt vời, một tinh thần tuyệt vời, và quan trọng hơn là một triết lý bóng đá mới mẻ chưa từng có trong lịch sử bóng đá Đức. Joachim Loew kế thừa và phát triển nó không mấy khó khăn. Đó là thứ mà chúng ta gọi là “nền tảng”. Nó không mất đi khi người tạo dựng nó bỏ đi.
Còn Capello, cho đến lúc này, triết lý bóng đá và lối chơi của đội tuyển Anh vẫn chưa thực sự rõ ràng, bộ khung nhân sự của họ cũng rất khó xác định. Liệu có thể tìm ra một cầu thủ nào có vị thế không lay chuyển tương ứng với Schweinsteiger ở tuyến giữa của Tam Sư? Lampard, Gerrard, hay Barry? Có thể chính Capello cũng chưa chắc, chứ đừng nói tới người đến sau.
3. Lãng phí 4 năm, hãy tưởng tượng rằng trong những thập kỷ trước, chỉ với chừng ấy thời gian, người Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã làm được gì với đội tuyển của họ. 4 năm là đủ cho một bước tiến rất dài. Juergen Klinsmann thậm chí chỉ mất có 2 năm để thay da đổi thịt đội tuyển Đức vốn được mệnh danh là bảo thủ nhất hành tinh.
24 triệu bảng có thể chỉ tương đương với 1 năm giá trị BQTH của đội tuyển Anh. Nhưng thứ mất đi khi Capello không thể đi đến hết con đường (để giành một chiếc Cúp nào đó) lớn hơn thế rất nhiều.
Và ngay cả nếu Capello ở lại để hoàn thành hợp đồng, thì trong cái bối cảnh hỗn loạn, trong liên đoàn đánh ra, ngoài báo chí đánh vào, cầu thủ bất tuân dư luận bất phục này, thì có thể 4 năm ấy cũng sẽ bị phí hoài.
Tiền có thể kiếm lại được, nhưng thời gian và những hy vọng mỏi mòn, biết lấy gì bù đắp?
Bongdaplus.vn