Lăng Kính: Niềm tin từ hai phía
>> M.C, đã tới lúc quên Champions League để tập trung cho Premier League
>> Mancini bảo vệ quan điểm về chiến thuật ở trận gặp Ajax
1. HLV người Italia đã sử dụng tới 4 sơ đồ trong trận thua Ajax. Ông bắt đầu bằng 4-2-3-1 quen thuộc vẫn dùng ở Premier League. Thế rồi khi Nasri ghi bàn đưa Man City vượt lên, ông phát huy triết lý an toàn bằng việc đổi sang sơ đồ 4-4-2: Yaya Toure được kéo về tham gia phòng ngự, James Milner đá dạt sang cánh phải, Aguero dâng cao.
Ajax bất ngờ ghi 2 bàn thắng, ông lại dao động, đảo sơ đồ lần thứ 2: Lescott được đưa ra khỏi sân, khiến Clichy-Richards-Koralov tạo thành bộ ba phòng ngự trong sơ đồ 3-5-2. Cuối cùng, hết trận, trong một nỗ lực tấn công tuyệt vọng, người ta thấy Man City chơi với 4 tiền đạo, coi như sơ đồ 3-3-4.
Tất nhiên, khi Man City đã thua, chỉ trích những sự thay đổi của Mancini có thể bị coi là “hắt nước theo mưa”. Nhưng có HLV nào thay đổi chiến thuật 3 lần trong một trận? Khi đội bóng dẫn 1-0, ông nhanh chóng đẩy cao tinh thần cảnh giác bằng việc kéo Toure về, như thế có phải là tin tưởng cầu thủ hay không?
Gareth Barry đã nói đầy ẩn ý sau trận: “Ajax biết họ đang chơi thứ bóng đá nào. Đó là thứ họ đã chơi nhiều năm. Chúng tôi thì chẳng hiểu vấn đề của mình”.
2.Mancini tỏ ra vị tha khi nhận hết trách nhiệm về mình. Lescott là người phạm sai lầm dẫn đến bàn gỡ của Ajax (và bị thay ra), nhưng Mancini vẫn nói nửa đùa nửa thật: “Lỗi của tôi, vì tôi không bảo anh ấy nhảy”.
Nhưng lời nói không thuyết phục bằng hành động. Mancini đã cho cả thế giới biết rằng ông đã đi tìm một trung vệ để thay thế Lescott suốt từ mùa Hè, với những mục tiêu như Coloccini, Luiz hay Agger. Không mua được những người ấy, ông đưa về Nastasic rồi cho anh đá chính những trận quan trọng. Lescott không có lý do gì để tin Mancini.
Việc Mancini không tin vào cầu thủ của mình thì đã quá nổi tiếng. Ông liên tục lên mặt báo phàn nàn về việc mình không được mua sắm. Tất nhiên, Jose Mourinho cũng từng nói ý ấy ở Chelsea, nhưng chỉ một lần, chứ không phải mỗi năm 2 lần.
Ông cũng chẳng tin vào đội ngũ huấn luyện mình đang có. Hè rồi, Mancini đưa thêm về một người Italia: HLV Angelo Gregucci chuyên trách phòng ngự. Lại một sự dao động nữa, lại một phương pháp huấn luyện nữa, lại thêm nhiều thời gian tập với HLV mới. Rất nhiều thời gian, bởi Gregucci không nói được tiếng Anh.
Những sự thay đổi liên tục cả về nhân sự, phương pháp huấn luyện lẫn chiến thuật khi thi đấu, thể hiện rằng Mancini thậm chí chẳng tin vào chính bản thân mình.
3.Mancini không tin cầu thủ, thì cầu thủ sẽ không tin ông, như một tất yếu. Có trung thành bao nhiêu, họ cũng không có gì để tin: chính Mancini còn chẳng biết mình muốn gì, ngày mai Man City sẽ chơi với sơ đồ nào.
Ông đã mất rất nhiều công sức để bình ổn phòng thay đồ Man City. Ông cũng đã tiệm cận với một công thức chiến thắng, khi Man City vô địch mùa giải trước bằng một lối chơi khá thống nhất. Nhưng thay vì phát triển trên cái nền sẵn có, Mancini lại loay hoay thay đổi. Bởi ông không tin Lescott, không tin Barry, không tin cả Balotelli…
Cũng có đôi lúc ông tỏ ra tin cầu thủ. Như việc cho họ tham dự họp báo và nói những điều mình muốn. Nhưng niềm tin hiếm hoi ấy lại sai lầm: trong phòng họp báo, Joe Hart nhân cơ hội chỉ trích đồng đội sau trận thua Real Madrid. Lại thêm một lần bung bét.