Nhà nghiên cứu xã hội Gavin Mellor của thành phố Manchester, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bóng đá, bảo rằng: “Cho đến giữa thập kỷ 60 thế kỷ trước, bạn có thể trở thành CĐV bóng đá mà không ghét đội nào đó”. Những CĐV bóng đá của hôm nay, với những thứ “thù hận”, “derby” các kiểu là một loại gia vị thời thượng, nghe thế hẳn sẽ tưởng là chuyện cổ tích.
Peter Robinson, thành viên ban giám đốc của Liverpool suốt từ năm 1965 đến 2000, cũng nói rằng cho đến tận thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trận đấu quan trọng nhất của đội chủ sân Anfield vẫn là gặp Everton. Ông thậm chí có mặt với tư cách khách mời trong lễ mừng công của Man United năm 1968, năm họ đoạt Cúp C1. “Hồi đó, chưa có thù hận gì” - ông bảo. Tờ Liverpool Echo, báo lớn nhất thành Liverpool, cũng hết lời tán dương chức vô địch năm 1968 của thày trò Matt Busby. Họ tuyên bố M.U là niềm tự hào của bóng đá Anh.
Tháng 8/1971, khi một con dao được ném xuống đường pitch của Old Trafford và M.U nhận án cấm thi đấu sân nhà tới 2 trận, Liverpool đã chìa tay ra. Đó là giai đoạn khó khăn của M.U, khi HLV Frank O’Farrell vừa nhậm chức. Billy Shankly đã gọi, và nói rằng ông muốn M.U đến chơi trận gặp Arsenal tại Anfield. Trận đó trở thành cú hích để M.U dẫn đầu bảng vào Giáng sinh.
Năm 1989, khi thảm họa Hillsborough diễn ra và cướp đi sinh mạng của 96 CĐV Liverpool, HLV Alex Ferguson và chủ tịch Martin Edwards của M.U đã quyên góp. Bí mật quyên góp. Hai ông bí mật đến đặt hoa tưởng niệm tại Anfield, một sự kiện mà nếu ở thời đại này sẽ dễ dàng trở thành tiền đề của một cuộc PR rộn rã (lại một món gia vị thời thượng nữa). Rồi họ viết séc cho các gia đình nạn nhân. Không một ai được biết cho đến khi Peter Robinson lên tiếng gần đây.
2. Kể lại những câu chuyện ấy để thấy rằng, mối thù giữa Liverpool và M.U, thứ được gọi là “trận derby nước Anh”, nếu có, cũng được giảm ít nhiều.
Hẳn bạn từng đọc ở đâu đó một truyền thuyết kiểu thù hận giữa Liverpool và Manchester bắt đầu kể từ khi kênh đào Manchester được xây cuối thế kỷ 19, cướp mất kế sinh nhai của nhiều người dân Liverpool vốn sống nhờ vào cảng biển. Đó có vẻ là chuyện sau này người ta vẽ ra để thêm mắm muối cho “derby nước Anh”.
Họ từng không ghét nhau, từng hành xử như những người quân tử. Tiếc rằng thời đại đã thay đổi, và một thứ bóng đá như thế, cách yêu không cần ghét ấy bây giờ biến đi đâu mất.
Trên khán đài trận Liverpool - Man City vừa qua, người ta thấy một tấm băng-rôn lớn: “Chúng tôi không phân biệt chủng tộc. Chúng tôi chỉ ghét bọn Manchester”.
3. Bây giờ thì tất thảy đều tin rằng, thù hận giữa M.U và Liverpool là “truyền thống”. Thực chất, đó là một thứ truyền thống mới được tạo dựng. Giống như nhẫn cưới, trước Thế chiến thứ 2 vẫn chỉ có một chiếc được đeo cho cô dâu. Các nhà kim hoàn Mỹ sau khi thắng trận trong Thế chiến, đã tạo ra cả một chiến dịch lăng xê khổng lồ quảng bá cho “nhẫn đôi” để thúc đẩy thị trường đang lên. Đến bây giờ nó lại thành chuẩn mực.
Đám cưới của Hoàng tử William năm ngoái, chỉ có cô dâu Kate Middleton được đeo nhẫn. Đó mới là truyền thống “xịn”.
Nhiệm vụ của giới truyền thông là “thổi lửa” cho các trận đấu. Nhưng “lửa” của thời đại chúng ta dường như cao quá, đến mức văn hóa bóng đá thành văn hóa bêu riếu lẫn nhau.
Tưởng tượng ra thù hận không phải cách làm bóng đá thêm hay, Billy Shankly và Alex Ferguson có lẽ đều nghĩ thế.
Bongdaplus.vn