Việc quy kết ai đó là “tội nhân” hay “anh hùng” tùy theo những gì họ thể hiện tại một thời điểm, thoạt nhiên có dáng dấp của việc “tát nước theo mưa” và “đánh người ngã ngựa”. Nhưng đó lại là một phần của văn hóa thưởng thức bóng đá.
Nó không phải đặc trưng của người viết hay quốc gia nào. Kể cả những hãng truyền thông uy tín, như SkySports chẳng hạn, cũng lập danh sách “Heroes & Villians” (Anh hùng & Tội nhân) hàng tuần. Nghĩa là tuần này anh có thể là anh hùng, tuần sau anh đã là tội nhân. Đặc biệt là những cầu thủ thường xuyên “lập công” ở cả hai đầu sân như Thomas Vermaelen chẳng hạn.
Hai định danh to tát ấy, gán vào một người nghe rất nặng nề và có vẻ mang tính chất quy kết toàn bộ sự nghiệp của anh ta. Nhưng trong trường hợp của bóng đá, nó mang tính thời điểm. Đúng là anh hùng, sai là tội nhân.
Bất cứ ai xem bóng đá đều hiểu rằng khoảng cách giữa “anh hùng” và “tội nhân” trong môn thể thao này là vô cùng mong manh.
2. Loạt đấu ngày lễ cuối tháng 12 là một giai đoạn cực kỳ quan trọng của mùa giải Premier League. Sẽ nhiều người không hiểu được mệnh đề quen thuộc và chung chung ấy, thì đây là dẫn chứng: trong mùa giải 2010/11, Man United giành được thành tích gần như hoàn hảo, 13 điểm trong 5 trận đấu của giai đoạn này, còn Chelsea chỉ kiếm được 4 điểm/4 trận. Đến cuối mùa, khoảng cách giữa họ là 9 điểm, đúng bằng khoảng cách điểm của tháng 12.
Mùa giải 2009/10 cũng không khác bao nhiêu. Chelsea có 10 điểm/4 trận cuối tháng 12 trong khi M.U chỉ có được 7 điểm. Cuối mùa, Chelsea vô địch với 1 điểm hơn M.U.
Quy luật tìm ra nhà vô địch của Premier League ngày xưa là cứ ai có nhiều điểm nhất trong “Nội chiến Big Four” thì sẽ đăng quang. Quy luật ấy bây giờ có lẽ phải sửa thành ai có nhiều điểm nhất trong những ngày lễ sẽ vô địch. Và tất nhiên là với cả những mục tiêu khác cũng vậy.
Đơn giản bởi tháng 12 là quãng thời gian khắc nghiệt nhất của mùa giải. Các thống kê chỉ ra rằng, tất cả các chỉ số đòi hỏi thể lực của cầu thủ trong giai đoạn này đều giảm khoảng 1/5. Nếu vượt qua được, các đội bóng không chỉ có lợi thế điểm số, mà còn thể hiện được bản lĩnh tinh thần, sự hợp lý của chiến thuật, độ dày lực lượng… Nói chung đây là bài kiểm tra tối quan trọng của mùa giải.
Và cũng bởi thế, những ngày lễ này sẽ là lúc phân định “người hùng” và “tội nhân”. Đặc biệt là với người mà tư cách ấy đang được bàn cãi nhiều nhất: Arsene Wenger.
3. HLV Arsene Wenger nói rằng ông muốn Arsenal bước vào năm 2012 với một vị trí trong Top 4. Đó không phải lời hô hào chung chung. Đó là việc bước qua một lằn ranh mỏng manh nhưng ghê gớm của thành công và thất bại. Đó là khi ông thày Pháp đau khổ di chuyển giữa ranh giới của “người hùng” và “tội nhân”. Đó là chuyện sinh tử.
CĐV Arsenal đã chịu đựng đủ rồi. Đủ để một bộ phận lớn quay lưng với “người hùng” một thuở Arsene Wenger. Ông đã hứa hơn một lần về cái gọi là “danh hiệu”. Và nếu ngay cả cái mục tiêu tối thiểu là dự Champions League cũng không đạt được, thì Wenger sẽ là “tội nhân”. Dẫu sao, chính sách chuyển nhượng của Arsenal, thứ ông trung kiên lựa chọn, cũng là một phần nguyên nhân cho sự đi xuống.
Không vượt qua được lằn ranh này, đừng nói về những gì ông Wenger đã làm trong quá khứ. Văn hóa bóng đá là như thế: thua là có tội.XEM THÊM
Bongdaplus.vn