
1. Chẳng có gì ngạc nhiên khi lượng khán giả xem tường thuật Champions League của Anh sụt giảm. Đặc biệt là trong những ngày Chelsea và Arsenal không thi đấu. Thứ Tư vừa qua, chương trình tường thuật Champions League của kênh ITV (trận Marseille-Inter) chỉ có được 2,4 triệu lượt xem, bằng một nửa so với mức bình quân những năm trước.
Chi tiết thú vị ở đây là chương trình thế chỗ Champions League để thu hút khán giả Anh là MasterChef. Chương trình thi nấu ăn nổi tiếng (mà nhiều khán giả Việt Nam cũng đã quen thuộc qua kênh StarWorld) chiếu gần như cùng khung giờ tối thứ Tư thu được 4,8 triệu lượt xem - bằng đúng mức ITV mong đợi cho Champions League của họ.
Đẩy xa trí tưởng tượng chút ít thôi là có thể hình dung ra không khí các phòng khách nước Anh: trong lúc các đấng mày râu tiu nghỉu vì những nỗi buồn Manchester thì chị em nội trợ vùng dậy giành lấy cái vô tuyến.
Năm 2005, trong một cuộc họp với lãnh đạo Đức và Nga, cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac từng đùa rằng: “Đồ ăn Anh chỉ tệ sau đồ ăn Phần Lan”. Một câu nói khiến cả dân Anh lẫn… Phần Lan thấy bực bội.
Đó chỉ là lời nói đùa, và mỗi người có một quan điểm ẩm thực. Nhưng đúng là ẩm thực Anh quốc vốn cũng hơi mang tiếng là không hấp dẫn lắm.
Thế nên cái ngày thứ Tư “trắng bóng đá” của nước Anh, khi chị em cả nước đổ xô đi xem nấu ăn kia, xét trên bình diện lợi ích quốc gia, có khi lại mang nhiều lợi ích. Chuyện “Tái ông thất mã” là như thế!
2. Thất bại không phải là kết thúc, và đôi khi không phải là điều tồi tệ. Nó cho người ta cơ hội để nhìn nhận vấn đề của mình chính xác hơn. Và sự tụt dốc của bóng đá Anh mùa giải này, là một cơ hội như thế.
Hãy bắt đầu bằng Arsenal. Họ đang toan tính một cuộc cách mạng lớn. Đơn giản là đã hết thời gian lần khất với những câu thanh minh văn vẻ kiểu: “Chúng tôi xây dựng bóng đá chứ không mua bóng đá” (câu ưa thích của GĐĐH Ivan Gazidis). Lần đầu tiên khả năng Wenger ra đi được nhắc đến nhiều như thế.
Lợi ích của sự thất bại tại Champions League với Man City hơi khác: nó cho họ cơ hội tập trung giành chức vô địch Premiership lần đầu tiên, một thứ thuốc bổ quý giá cho đẳng cấp. Kèm theo một bài học cho Sheikh Mansour. Sẽ phải mất thời gian, chứ không chỉ có tiền bạc, để tạo ra một đội bóng lớn.
Còn Man United sẽ có khoảng dừng lớn để tiếp tục phát triển, khi tài chính vẫn bấp bênh và việc mạnh dạn chi tiền chỉ-trong-một-mùa-Hè được chứng minh là không thể cứu vãn đẳng cấp. Chelsea cũng sẽ có cải cách (nếu Roman Abramovich còn muốn làm bóng đá).
3. Bóng đá Anh đánh mất sự hào nhoáng có được từ Champions League. Nhưng đó là lúc để họ tập trung vào việc bếp núc. Tạo ra một thứ gì đó cơ bản hơn, thiết thực hơn, “ấm bụng” hơn. Một thập kỷ thành công tại Champions League đã không, hay ít ra là chưa khiến họ giàu có hơn. Nó chỉ khiến nền bóng đá này phù phiếm hơn. Một sự phù phiếm nguy hại.
Và ai dám nói rằng, một giai đoạn “trắng Champions League” khiến Premiership kém vui? Thực ra, nó sẽ hấp dẫn hơn. Ở đó, có cuộc chiến của những kẻ đang ở dưới mặt đất, đang học cách trân trọng từng mẩu bánh mì nhỏ.
Khi các bà nội trợ chăm chú dõi theo các đầu bếp trên TV, đó là hình ảnh đẹp của mọi gia đình.
Bongdaplus.vn