
1. Khi nhận định về giá trị của một danh hiệu, một trận đấu quyết định, người ta có xu hướng quy nó ra tiền. Dẫu sao thì tiền vẫn là thước đo tối hậu cho thành công của một cuộc kinh doanh, và trong bóng đá hiện đại thì thành công trên sân cỏ và thành công trên thương trường là một.
Và phương thức đo giá trị danh hiệu bằng tiền còn đến từ một nỗi ám ảnh khác, là các CLB châu Âu luôn thiếu tiền. Hầu hết đã trót vay nợ để phục vụ cho cuộc mưu cầu thành công, và cần có tiền thật nhanh để trả nợ.
Sử dụng logic này, mọi thứ đều trở nên đơn giản: Premier League và Champions League quan trọng tương đương (vì thu nhập mang lại gần bằng nhau). Sau đó đến Europa League, và cuối cùng là các đấu trường cúp quốc nội, nơi tiền thưởng chỉ là vài trăm nghìn bảng. Thái độ thực tế của các CLB Anh nói riêng và châu Âu nói chung đều thể hiện rõ điều này: họ coi thường Cúp Quốc gia.
Nhưng không phải lúc nào cái logic “tiền tươi thóc thật” ấy cũng đúng. Trong kinh doanh, ngoài doanh thu trực tiếp, vẫn còn một giá trị nữa để đong đếm thành công: giá trị thương hiệu. Và khái niệm này liên quan chặt chẽ đến cái gọi là “danh dự” trong bóng đá.
2.Hàng năm, đại tập đoàn kiểm toán Deloitte đều tung ra một bản báo cáo mang tên “Football Money League” - “Giải vô địch tiền bạc bóng đá” để vẽ lên một cái nhìn toàn cảnh về tình hình kinh tế của bóng đá châu Âu. Chủ đề của năm nay do Deloitte lựa chọn là: “Sức mạnh CĐV”.
CĐV và sự cảm tính của họ sẽ quyết định tình hình tài chính của một CLB. Hãy phân tích bằng doanh thu của họ: với vị trí thứ 6 trong mùa giải 2010/11, Liverpool kiếm được ít hơn Chelsea (thứ 2) khoảng 4 triệu bảng từ BQTH Premier League và 20 triệu bảng từ suất dự Champions League mùa này.
Nhưng xét về doanh thu thương mại, tạo ra từ bán quảng cáo, bán áo đấu và các sản phẩm khác, nghĩa là giá trị cụ thể của “thương hiệu”, hay nói cách khác là mức độ nổi tiếng và được yêu thích, Liverpool vẫn nhiều hơn Chelsea 21 triệu bảng (77 so với 56 triệu): người ta vẫn tiêu tiền vì Liverpool nhiều hơn.
Trong 10 năm qua, Chelsea có tới 3 chức vô địch Premier League còn Liverpool chỉ có 1 chức vô địch Champions League; Chelsea vẫn giữ vững vị thế trong nhóm đầu Premier League còn Liverpool đã sa sút. Nhưng sự chênh lệch trong doanh thu thương mại đã kể ở trên nói rằng có những cái cúp mang giá trị nhiều hơn những cái cúp khác, có những trận thắng giá trị hơn những trận thắng khác.
3.Trận chung kết FA Cup mùa này có giá bao nhiêu? Có thể một vài chuyên gia kinh tế sẽ đưa ra một con số ước đoán nào đó. Nhưng đó không thể là con số chính xác: nó được quyết định bởi tâm lý của hàng triệu người theo dõi Liverpool và Chelsea, hàng triệu cái đầu.
Có thể ngay ngày mai, nếu Andy Carroll lập một hat-trick và bàn nào cũng đẹp như cách Cisse (Newcastle) mới ghi bàn vào lưới Chelsea, Liverpool có thể kiếm được hàng triệu bảng tiền bán áo đấu của anh này.
Có thể nếu Chelsea thắng trận, nhưng John Terry lại đánh nguội ai đó, hoặc lại sút trượt penalty và lại khóc, giá trị thương hiệu của họ mùa sau sẽ giảm bằng hàng chục lần tiền thưởng cho đội vô địch. Bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Một trận chung kết trong bối cảnh Liverpool và Chelsea đều đang “đói” thành công, khi bóng đá Anh đang “đói” những trận cầu đỉnh cao ở Champions League so với vài năm trước, có thể trị giá hơn cả Premier League.
Bongdaplus.vn