1. Mùa Hè 1996, khi bộ 3 người Italia gồm Di Matteo, Zola, Vialli đến sân Stamford Bridge, người ta đã coi đó là một tín hiệu bất ngờ với bóng đá Anh. Còn NHM bóng đá Ý thì suy nghĩ khác. Họ cho rằng 3 cá nhân ấy đã hết thời ở Ý và phải tìm nơi dưỡng già ở Premiership. Serie A hồi đó vẫn còn là thiên đường của bóng đá châu Âu và chẳng ai nghĩ đến chuyện một cầu thủ Ý lại phải tha phương tìm việc ở một quốc gia khác. Thay vào đó, họ nghĩ các cầu thủ từ quốc gia khác phải hy vọng được đến Ý tìm tương lai mới phải.
Trong khi đó, ở nước Anh, người ta nghi ngờ khả năng thành công của bộ 3 người Ý kể trên. Dễ hiểu, bóng đá Anh lúc ấy khác hẳn với phần còn lại của châu Âu và rất khó để những cầu thủ đến từ La Liga hay Serie A có thể phát huy khả năng trong một giải đấu khác biệt đến thế. Người Anh lúc đó vẫn chuộng cầu thủ Đức, bắc Âu, Scotland hay Ireland hơn, bởi tư duy bóng đá của những cầu thủ ấy gần với người Anh.
Trước thời điểm năm 1996 ấy một chút, vài cầu thủ Pháp cũng sang Anh thi đấu mà điển hình là Cantona. Chính sự thành công của Cantona khiến người ta nghĩ rằng những kỹ thuật gia vẫn có thể tìm được khoảng trống để phát huy ở Premier League, một giải đấu mà các đội chơi bóng khá đồng dạng với nhau. Ở chiều ngược lại, việc người Anh ra nước ngoài thi đấu lại là sự hãn hữu, bởi cầu thủ Anh khó chơi tốt ở các giải đấu ngoài biên giới nước mình vì hạn chế kỹ thuật. Trường hợp cá biệt của Waddle ở Marseille không đủ chứng minh rằng, cầu thủ Anh đủ tố chất kỹ thuật cho các giải đấu đòi hỏi kỹ năng cao như La Liga hay Serie A. Bóng đá Anh ngày đó gần như ở một biên giới khác, tách bạch hẳn với châu Âu.
2. Hôm nay, ở Anh tràn ngập các cầu thủ đa dạng quốc tịch khác nhau: từ Ý đến TBN; từ Pháp tới Bồ Đào Nha; từ Argentina cho đến Hà Lan... Bóng đá Anh đã chuyển mình rất rõ: ở cả chất lẫn lượng. Các CLB trình diễn lối chơi đa dạng, tiếp cận với thế giới hơn và tiềm lực tài chính của họ thì chẳng thua ai. Premiership đã thay thế Serie A để thành thiên đường cho những ai kiếm tìm danh vọng tiền tài bằng nghiệp quần đùi áo số. Biến chuyển ấy quá tích cực song nó lại kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực.
Trước thềm trận Chelsea - Man City đêm nay, chính HLV Mancini phải thừa nhận: “Không hiểu sao Man City lại để Sturridge ra đi một cách phí phạm như thế, vì cậu ấy là tài năng trẻ lớn nhất nước Anh hiện thời”. Những lời khen ngợi của Mancini không hề vô lý chút nào. Hãy nhìn những gì Sturridge thể hiện ở Chelsea là đủ hiểu. Anelka đã không còn “cửa” cạnh tranh với Sturridge, còn Torres thì sẽ phải ngồi dự bị cho ngôi sao trẻ người Anh dài dài nếu không lấy lại được phong độ. Nhưng ngoài Sturridge ra, trận Chelsea - Man City còn được mấy cái tên Anh quốc trẻ trung tài năng? Có lẽ, còn lại được Hart và Micah Richards thì phải. Còn những Barry, Milner hay Lescott thì đã ở ngưỡng tuổi “băm” mất rồi.
Từ lăng kính ấy, nhìn qua Liverpool và West Ham, 2 lò đào tạo lớn của nước Anh mới càng giật mình. Mấy năm nay, hình như không có tài năng mới người Anh nào xuất hiện từ đó. Đâu rồi một thời mà Liverpool có thể giới thiệu Fowler và Owen, còn West Ham trình làng Joe Cole, Lampard, Rio Ferdinand, Terry?
Trong tình thế đó, khi nhìn vào khả năng các tuyển thủ Anh hoà nhập với các đội bóng lớn ở châu Âu, người ta càng giật mình hơn. Nước Anh không còn khoảng cách với cầu thủ ngoại, nhưng cầu thủ Anh vẫn còn nguyên khoảng cách với nước ngoài. Sự thất bại của Woodgate ở Real là một minh chứng. Còn sự quan tâm của Barca tới Lampard hay Walcott ư? Nó sẽ không vượt quá một lời nói miệng.
Nguồn: bongdaplus.vn