Lăng kính: Bán Van Persie - Tình huống xấu nhất?
Thế rồi cả hai cùng ra đi. Và Arsenal đã có lúc tưởng như bị vùi xuống đất đen với thất bại kỷ lục 2-8 trước Man United. Nhưng cuối cùng, họ vẫn cán đích ở vị trí thứ 3.
Nghĩa là tình huống xấu nhất, theo chính sự thừa nhận của Wenger đến lúc này vẫn không thể khiến Arsenal gục ngã.
Liệu Robin van Persie rời Emirates có khiến tình hình xấu đi hơn nữa? Chỉ thời gian mới trả lời được chắc chắn. Nhưng nếu sử dụng logic, không nhìn thấy lý do của việc Arsenal sụp đổ sau cuộc chia tay này.
2. Robin van Persie không phải là Cesc Fabregas. Nếu Fabregas đã là nhạc trưởng của Arsenal trong nhiều năm, thì Van Persie mới “xuất hiện” ở Emirates 1 năm về trước. “Anh ta đã đá cho Arsenal 8 năm!” – bạn đọc sẽ phản đối. Nhưng 7 mùa giải trước, Van Persie làm việc với bác sỹ của CLB nhiều hơn HLV. Với những chấn thương liên tiếp, thành tích trung bình của anh trong quãng thời gian trước mùa giải 2011/12 là 22 trận và 9 bàn thắng mỗi mùa giải, loại thành tích có thể tìm thấy ở bất cứ tiền đạo hạng xoàng nào tại Premiership.
Van Persie mới nổi lên một mùa. Và cho dù trong một mùa ấy, chàng tiền đạo 29 tuổi được tán tụng với đủ mọi mỹ từ cao đẹp, nó cũng không khiến anh ở cùng tầm ảnh hưởng với Fabregas, Henry trước kia hay thậm chí là Nasri, Flamini.
Có thể Robin van Persie đẹp trai hơn, nhưng nếu đơn thuần xét đến đóng góp cho Arsenal, rất khó tìm được điểm khác biệt giữa anh và Emanuel Adebayor. Họ đều là chân sút số một của Arsenal trong-một-mùa-giải.
Van Persie ghi được 37 bàn còn Adebayor ghi được 30 bàn. Adebayor còn bán được giá hơn Van Persie 3 triệu bảng.
Nếu có ai cần lo lắng trong thương vụ này, đó sẽ là những người đã đầu tư vào Van Persie. Sau phiên giao dịch hôm thứ Năm, giá cổ phiếu của M.U trên sàn chứng khoán New York đã xuống thấp cực điểm. “Đây là một vụ đầu tư không thuyết phục lắm” – chuyên gia kinh tế Simon Kuper phân tích chuyển biến này - “Họ đã mua một cầu thủ 29 tuổi có tiền sử chấn thương dài hạn hòng làm đẹp lòng CĐV”.
3. Ảnh hưởng mạnh nhất của cuộc chia tay với Robin van Persie, không nằm ở mặt chuyên môn, mà nằm ở tinh thần. Đây là đội trưởng thứ hai rời Emirates trong 2 năm liên tiếp.
Sự thiếu tự tin đã là điểm yếu lớn của Arsenal trong nhiều năm qua. Tâm lý của họ rất có thể đã lại nhận thêm một đòn mạnh. Thêm một lần nữa, ông Wenger lại ở vào cái thế “chẳng thuyết phục được ai rằng Arsenal có hoài bão”. Có thể Podolski, Giroud và Cazorla cộng lại được đánh giá là thừa sức bù đắp lỗ hổng mà Van Persie để lại. Nhưng cũng có thể người ta sẽ chẳng bao giờ được chứng kiến 100% sức mạnh của những sự thay thế ấy, khi phần còn lại của đội hình có thêm lý do để mà… rệu rã.
Trận gặp Sunderland, hay rộng hơn là phần đầu của mùa giải này, vì thế đặc biệt quan trọng. Một cuộc xuất phát tốc độ sẽ khiến những chàng trai Emirates lấy lại sự tự tin đã hao hụt.
Bây giờ hoặc không bao giờ. Bởi tân đội trưởng Thomas Vermaelen, là một trung vệ, anh không thể ghi bàn hàng tuần để cổ xúy đồng đội một cách trực tiếp và hiệu quả như Van Persie.
Một lịch thi đấu có độ khó tăng dần gồm Sunderland, Stoke City, và sau đó là một Liverpool với cái tên lớn nhưng sức mạnh vẫn đang bị hoài nghi, là điều kiện tốt để Arsenal có được cú chạy đà tinh thần của họ.