Chương đầu tiên trong cuốn sách “Tâm lý bầy đàn” của Mark Earls viết về sự ảo tưởng của cái Tôi. Khi đó, cái Tôi sẽ thể hiện trạng thái của cả một tập thể.
1.Trong tự nhiên, mọi loài động vật đều diễn ra những cuộc đấu tranh để chiếm lĩnh bầy đàn. Vì thế mới có chuyện sư tử đực sẵn sàng giết chết sư tử cái hoặc “kẻ lạ” nào xâm nhập vào đàn của nó để khẳng định vị trí chỉ huy trong bầy. Nó vừa là biểu hiện của cuộc chiến sinh tồn, nhưng cũng có thể là tín hiệu bắt đầu cho sự hủy diệt.
Drogba cùng Chelsea bước vào trận gặp Birmingham với hy vọng sẽ tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kéo dài đang ngày càng trầm trọng. Nhưng ở đó, những ống kính camera của ESPN đã soi thấy một cuộc chiến ngấm ngầm tại Chelsea, một cuộc đấu nhằm chiếm lĩnh vai trò chỉ huy mà Drogba là kẻ cầm đầu.
2.Khi uy tín của Terry đang ở mức rất thấp, khi Lampard chỉ còn là cầu thủ dự bị, Drogba đương nhiên là người có tiếng nói giá trị nhất ở Chelsea thời điểm này. Anh ta nhanh nhảu đánh chiếm vai trò “kẻ bảo kê” cho Stamford Bridge. Vì một lý do nào đó mà Drogba đã tập hợp toàn đội lại, rồi đưa ra lời chỉ đạo gì đó trước khi hiệp 2 bắt đầu, việc mà đáng ra phải thuộc về Villas-Boas.
Việc tạo ra quyền lực trong đường hầm thời điểm này chẳng khác gì hành động vượt mặt Villas-Boas. Hay nặng nề hơn, sẽ có người cho rằng đó là âm mưu nhằm hạ thấp hơn nữa uy tín của Villas-Boas. Cả tập thể Chelsea đã đứng trước Drogba gật gù một cách ngoan ngoãn. Từ các tân binh như Meireles, Sturridge cho đến Essien, Ivanovic… những người có thâm niên ở Chelsea.
Tâm lý bầy đàn, sợ bị cô lập trong tập thể khiến tất cả trở thành kẻ tiếp tay cho Drogba trong cuộc chiến mà tiền đạo này âm thầm nhắm vào Villas-Boas. Hay nói cách khác, Drogba đang giật kíp nổ quả bom cuối cùng nhằm đánh sập chiếc ghế của Villas-Boas, đồng thời cũng chấp nhận đẩy Chelsea vào nguy cơ hủy diệt!
3.Những cuộc đại suy thoái kinh tế làm thay đổi thế giới đều là hệ quả của tâm lý bầy đàn. Thực tế đó là ý chí của một cá nhân, sử dụng đám đông để khống chế cả tập thể chứ không thể điều khiển tập thể đó. Drogba đang giành quyền khống chế, nhưng chưa thể điều khiển được Chelsea khi nhiệm vụ đó trên lý thuyết vẫn thuộc về Villas-Boas. Lỗi ở đây không thuộc về Drogba, bởi tiền đạo này đang sống theo bản năng sinh tồn. Lỗi nằm ở chính Villas-Boas khi đánh mất quyền kiểm soát vốn dĩ thuộc về ông. Từ đó Villas-Boas không thể khống chế và điều khiển đội bóng. Đúng hơn, Villas-Boas chưa đủ bản lĩnh để tạo ra cái uy trong một tập thể toàn sao, và bất cứ ai cũng có thể trở nên dữ tợn. Điều mà Abramovich sợ nhất khi mang Villas-Boas về từ Porto đã xảy ra.
Cần phải nói lại, vị trí HLV ở Anh không chỉ là “coach” mà còn là “manager”, một người chỉ huy thực sự. Hay nói nôm na là người “bảo kê” cho đội bóng. Villas-Boas có thể là “coach”, nhưng chưa đạt tầm của người chỉ huy như Sir Alex, một “tay bảo kê” vĩ đại của Old Trafford. Ferguson giải quyết êm thấm mọi việc ở M.U bằng bản lĩnh và cái Tôi thống trị tuyệt đối. Rooney ngoan ngoãn ở lại sau khi gây scandal đòi tăng lương. Roy Keane bị hất cẳng khi có động thái lobby cho mình vào vị trí kế nhiệm Ferguson (năm 2002). Beckham bị “đá toác mặt” vì có dấu hiệu lộng hành trong phòng thay đồ (2003)… Tất cả những “tác phẩm” ấy đều do Ferguson dàn dựng để khẳng định vai trò chỉ huy.
Cái Tôi của Ferguson là sự thống trị duy nhất!
4.Theo Mark Earls, cái tôi được thể hiện sẽ phản ánh trạng thái của tập thể. Ảo tưởng về cái tôi ở Chelsea đang đẩy họ vào sự diệt vong. Đã đến lúc quyết định: Hoặc Villas-Boas phải tìm lại cái Tôi của mình theo cách của Sir Alex, hoặc ông phải ra đi để kết thúc một cuộc chiến, một quá trình diệt vong…
HLV VILLAS-BOAS:“Làm gì có chuyện đó!”
Andre Villas-Boas đã nổi đóa khi nhận được tin, Drogba qua mặt ông trong thời gian nghỉ giữa hiệp trận Chelsea - Birmingham vừa qua. Cụ thể là tiền đạo người Bờ Biển Ngà “triệu tập” đồng đội ngay trên đường hầm dẫn ra sân, thảo luận điều gì đó trước khi hiệp 2 bắt đầu, lúc mà Drogba được đưa vào sân thế chỗ Torres.
Khi kênh ESPN đưa ra thông tin này và hỏi Villas-Boas, ông phát khùng và tuyên bố: “Vô lý! Làm gì có chuyện đó”. Nhưng khi băng hình ghi lại sự kiện này được đưa ra, Villas-Boas đã chột dạ. Ông chỉ biết giải thích rằng: “Đó là lúc cầu thủ nói chuyện với nhau trong đường hầm. Cũng có thể đó là những lời động viên, khích lệ lẫn nhau trong hoàn cảnh đội bóng bị dẫn trước. Điều đó rất bình thường”.
Đúng là sẽ không có vấn đề gì nếu họ nói chuyện với nhau. Nhưng khi đó là một sự bàn bạc chiến thuật của Drogba, làm sai lệch chỉ đạo của Villas-Boas thì đó thực sự là vấn đề nghiêm trọng.
Bongdaplus.vn