Hôm nay, sinh nhât Gianfraco Zola (5/7/1966) - Gã khổng lồ trong hình hài bé nhỏ
DẪN ĐẦU MỘT TRÀO LƯU
Zola không phải là người Italia đầu tiên có mặt ở Premier League. Người đầu tiên là Andrea Silenzi, đến Nottingham Forest năm 1995 từ Torino với giá 1,8 triệu bảng (một con số không nhỏ lúc ấy) và trở thành kẻ... thất bại vĩ đại. Sau Silenzi tới lượt Gianluca Vialli và Roberto Di Matteo (Chelsea) và Fabrizio Ravanelli (Middlesbrough), những người đến với Premier League vào mùa Hè năm 1996. Phải tới tháng 11 năm đó, Zola mới chuyển tới Stamford Bridge từ Parma, sau khi biết rằng anh sẽ không bao giờ được trọng dụng dưới thời HLV mới Carlo Ancelotti.
Khi Zola xuất hiện, Premier League cũng đã chứng kiến sự đổ bộ của một loạt cầu thủ ngoại quốc, chủ yếu từ Serie A, giải đấu rất được ưa thích ở Anh nhờ được tổng hợp hàng cuối tuần trên chương trình Football Italia của kênh Channel 4. Eric Cantona, Peter Schmeichel đã có mặt ở M.U. Ruud Gullit đã được Chelsea đưa về từ Sampdoria. Arsenal đã có Dennis Bergkamp và Patrick Vieira, trong khi Middlesbrough đã kịp gây sốt với bộ đôi Juninho-Ravanelli. Ngay West Ham cũng mua được Florin Raducioiu, ngôi sao của đội tuyển Romania ở World Cup 1994.
Nhưng chẳng ai tạo được dấu ấn tức thời và mạnh mẽ như Zola. Anh kiến tạo cho Vialli trong trận ra mắt, có bàn đầu tiên sau đó một tháng, với một pha đá phạt đẹp mắt vào lưới Everton. Và sau đó là vô số những khoảnh khắc thiên tài: Cú hat-trick đảo chân khiến Julian Dicks chóng mặt, quả rocket vào lưới Liverpool ở vòng 4 Cúp FA, pha cắt kéo trước Sunderland, và nhất là pha solo trước Man United. Sau trận ấy, Sir Alex đã phải kinh ngạc gọi anh là “ gã nhỏ bé thông minh”, và, theo tiết lộ của Giggs, đã phải sử dụng chiến thuật một kèm một với anh kể từ đó.
NÂNG TẦM CHELSEA
Trước khi Zola tới, Chelsea đã phải chờ đợi chức vô địch Cúp FA suốt 27 năm. Nhưng “ảo thuật gia” người Italia chỉ mất có 7 tháng để biến giấc mơ nửa đời người ấy của các CĐV Chelsea thành sự thật. Ở Cúp FA năm 1997, Zola là “vua phá lưới” của Chelsea với 4 bàn thắng, và anh cũng là người đã kiến tạo một trong hai bàn thắng trong chiến thắng 2-0 của Chelsea trước Middlesbrough ở chung kết. Phong độ mà Zola đã thể hiện ấn tượng tới mức anh trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử giành danh hiệu xuất sắc nhất dù không chơi trọn mùa giải.
Những thành tích đáng chú ý sau đó của Chelsea với Zola là chức vô địch League Cup 1998, Cúp C2 1998, Siêu Cúp châu Âu 1998, và một Cúp FA khác vào năm 2000. Tuy nhiên, việc giúp Chelsea lần đầu tiên dự Champions League, ở mùa giải 1999/00, và thể hiện ấn tượng ở mùa giải ấy (vào tới tứ kết và bị loại đáng tiếc bởi Barca dù đã thắng 3-1 ở lượt đi), mới là dấu ấn khiến Zola trở nên “bất tử”. Bởi nó đánh dấu một bước chuyển mình lớn lao bên trong Stamford Bridge: Họ biết rằng mình hoàn toàn có thể chơi bóng “đàng hoàng” với những đội bóng hàng đầu thế giới.
Và đó cũng có thể xem là di sản giá trị nhất của Zola ở Chelsea, bên ngoại những bàn thắng, những khoảnh khắc thiên tài, và tất nhiên cả những danh hiệu...
Vĩ đại nhất lịch sử Chelsea Chơi cho Chelsea từ 1996 đến 2003, Zola không phải là cầu thủ khoác áo Chelsea nhiều nhất (anh có 229 trận ra sân), không phải người ghi nhiều bàn thắng nhất (54 bàn). Nhưng điều đó không ngăn được các CĐV của The Blues bỏ phiếu chọn anh là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử đội bóng trong một cuộc bầu chọn năm 2003. Cũng trong năm đó, Abramovich tới Chelsea, đề nghị tăng lương để giữ Zola lại, nhưng anh vẫn nhất quyết trở lại Cagliari để giúp đội bóng quê hương thăng hạng. Con số 1 Năm 1997, Zola nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Hiệp hội nhà báo bóng đá Anh. Anh trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử Premier League không thi đấu đủ cả giải mà vẫn giành danh hiệu này. 30 Bàn thắng nhanh nhất mà Zola ghi cho Chelsea đến ngay ở giây thứ 30 sau khi anh được tung vào sân trong trận chung kết Cúp C2 mùa 1997/98. 59 Trong 80 bàn thắng Zola ghi cho Chelsea, có tới 59 bàn thắng đến ở sân chơi Premier League, trong đó riêng mùa cuối cùng gắn bó với Chelsea, Zola đã ghi tới 16 bàn. Zola lận đận nghiệp huấn luyện Giống như một sự tương phản hoàn toàn với sự nghiệp cầu thủ oai hùng, chặng đường làm HLV của Zola bắt đầu từ năm 2008 đến nay lại vô cùng lận đận. Ông khởi nghiệp với vai trò HLV West Ham, sau đó dẫn dắt cả.. U16 Italia, rồi đến Watford và hiện tại đang thất nghiệp sau khi bị Cagliari sa thải hôm 9/3 vừa qua. Trong sự nghiệp huấn luyện của mình, West Ham là CLB duy nhất ông gắn bó 2 năm. Cả 3 bến đỗ còn lại Zola đều chỉ trụ được vỏn vẹn 1 năm. GIANFRANCO ZOLA: “Tôi thất bại vì… quá hiền” Trả lời phỏng vấn trên kênh Sky Italia mới đây, Gianfranco Zola thừa nhận, sở dĩ ông không thể trở thành một HLV giỏi đơn giản là vì… quá hiền. “Nhiều người nói với tôi rằng tôi quá hiền để làm một HLV. Tôi không nói được cầu thủ, tôi bị đem ra so sánh với những HLV giỏi thiết quân luật như Jose Mourinho. Nhưng tôi sẽ không vì thế mà thay đổi bản thân. Tôi yêu nghề huấn luyện, nhưng sẽ không vì nó mà từ bỏ con người thật của mình”, Zola nói. |