Hổ báo kiểu Chelsea
Pháo thủ đã phải trả giá bằng một trận thua, còn “nghệ thuật hắc ám” của Costa góp phần không nhỏ giúp The Blues chiến thắng. Tuy nhiên, bóng đá Anh vốn tôn trọng tinh thần fair-play (điều tuyệt vời về nền bóng đá bị nhiều người chê là ngây thơ này) đã không chịu thua Costa.
Quyết định của trọng tài trong trận đấu là bất biến, nhưng FA và ban tổ chức Premier League vẫn có quyền xử phạt ngoài trận đấu. Chelsea có cãi cũng bằng thừa, bởi giải Ngoại hạng Anh không phải là sân chơi riêng của đội ĐKVĐ Anh, Jose Mourinho, Roman Abramovich và Chelsea. Còn 19 đội bóng khác cũng có quyền biểu quyết, lên tiếng và cùng nhau góp phần tìm lại hình ảnh trong sáng cho bóng đá Anh vốn đã và đang bị vẩy đục quá nhiều bởi trào lưu ngoại lai bên ngoài xứ sương mù.
Costa đáng phải nhận những gì anh vừa phải nhận. Chelsea cũng đáng bị trừng phạt, thông qua mức phạt dành cho Costa. Chelsea mạnh mồm đến mức một tân binh, còn rất trẻ như Kurt Zouma thẳng thừng nói: “Costa gạt kẻ khác có gì lạ, ngay cả các cầu thủ Chelsea cũng không ít lần bị anh ấy lừa”.
Costa đáng phải nhận những gì anh vừa phải nhận. Chelsea cũng đáng bị trừng phạt, thông qua mức phạt dành cho Costa. Chelsea mạnh mồm đến mức một tân binh, còn rất trẻ như Kurt Zouma thẳng thừng nói: “Costa gạt kẻ khác có gì lạ, ngay cả các cầu thủ Chelsea cũng không ít lần bị anh ấy lừa”.
Cái xấu, khi được dịp lên ngôi hoặc chí ít là được cổ vũ, rất dễ trở thành điều hiển nhiên, nét tích cực dễ lây lan còn nhanh hơn nấm mọc sau mưa. Không, bóng đá Anh không chấp nhận kiểu trào lưu ấy, càng không thể để Premier League và những người yêu bóng đá chân chính bị coi thường, theo kiểu Mourinho ca ngợi “Costa là cầu thủ xuất sắc nhất của Chelsea trước Arsenal” chủ yếu vì “nghệ thuật hắc ám” ấy.
The Blues đang phải gặm nhấm nỗi đau trong cơn bực tức. Mourinho cũng hãy cẩn trọng lời nói và cả hành động. Người Anh chắc chắn không muốn đội bóng đại diện ưu tú nhất cho Premier League (chính là nhà ĐKVĐ Anh Chelsea) lại có một HLV ăn hiếp cả phụ nữ (bác sỹ Eva Carneiro), một thủ quân ngủ với vợ bạn thân, liên tục chửi thề trên sân cỏ và còn dùng lời lẽ phân biệt chủng tộc với một đàn em (Anton Ferdinand). Mới nhất, chính là một ngôi sao (Diego Costa) nhưng cũng dễ bị đòn hội đồng vì những trò thiếu fair-play.
Hổ báo một cách bầy đàn, không phải là nét văn minh của một nền bóng đá luôn đề cao văn minh. Hãy nhìn hình ảnh Anthony Martial giúp Dirk van Dijk (Southampton) trị thương tránh chuột rút, sau khi bị chính Van Dijk đốn giò không thương tiếc. Đó mới là hình ảnh đẹp mà bóng đá Anh nói chung và Premier League nói riêng hướng đến.
Suy cho cùng, Chelsea có thể thành công mà không cần bất kỳ tiểu xảo nào của Costa, Mourinho, Terry hay nhiều người khác nữa. Chúng ta hẳn vẫn chưa quên Zlatan Ibrahimovic gọi Chelsea là “một lũ trẻ hay khóc nhè” khi các học trò của Mourinho vây trọng tài gây áp lực khiến ông đuổi Ibra ở vòng 1/8 Champions League 2014/15. Trò hổ báo bầy đàn của Chelsea chỉ khiến PSG mất 1 người, nhưng không quật ngã được ý chí của một đội bóng Pháp vốn thường bị chê cười về mặt tinh thần. Cuối cùng, PSG kiên cường đứng dậy, 2 lần gỡ hòa để loại Chelsea khỏi cuộc chơi.
Đó mới chính là “quả báo nhãn tiền” cho Chelsea và cái kết có hậu cho bóng đá. Môn thể thao vua cũng như một thế giới thu nhỏ, xin đừng để cái xấu lên ngôi. Chelsea vẫn có thể góp phần làm cho thế giới ấy đẹp hơn, nếu Mourinho và các học trò muốn!