
Và kết quả của tuyển Anh cho thấy những chê bai kia cũng có cơ sở của nó. Nhưng kỳ vọng của người hâm mộ thường lớn mà chức vô địch lại chỉ có một mà thôi. Nên nói gì thì nói, muốn chê Capello cũng phải nhìn vào thực tế một cách khách quan xem ông có đáng bị đối xử như thế hay không.
Năm 2010, Capello đưa Beckham đến VCK World Cup như một cầu thủ danh dự, mà điều cốt yếu nhất ông cần ở anh là một động lực tinh thần cho đồng đội, một cầu nối giữa ông và đám cầu thủ. ĐT Anh dừng chân ở vòng 1/8, một kết quả không đáp ứng kỳ vọng, nhưng nhìn vào cách thể hiện cũng như nhìn vào thực trạng Tam Sư, không ai có thể đổ lỗi cho Capello.
VCK EURO 2012 sắp cận kề và Becks lại khát vọng quay lại tuyển lần nữa. Anh chưa bao giờ muốn từ giã đội tuyển mà anh đã khoác áo 116 trận. Nhưng cái tuổi 36 là lý do để bất kỳ lời gọi nào dành cho anh đều trở nên lố bịch. Và dẫu cho chỉ là vai trò “danh dự” như 2 năm trước, Capello cũng nói “Không”. Đơn giản, ông thấy không cần Becks làm cầu nối nữa. Capello đã ở đội tuyển đó hơn 3 năm, đủ thời gian để ông và các tuyển thủ quá hiểu nhau đến mức vai trò cầu nối trở nên vô dụng. Còn động lực ư? Beckham đã không còn ở thời là động lực cho thế hệ sau này. Tam Sư sẽ cần Rooney hơn, ở vai trò ấy, trong 3 trận vòng bảng mà anh bị treo giò.
Nhắc tới Rooney, Capello sẽ có những thử nghiệm trước Thuỵ Điển để xem ai có thể xỏ vừa đôi giày mà tiền đạo của M.U để lại. Ông chưa làm rõ đó sẽ là ai: Bent, Zamora, Welbeck hay Carroll... Tất cả đều phải chạy đua với chính mình, để thể hiện mình tốt nhất, để Capello “phải lòng” thực sự như ông đã phải lòng Jones trong vai trò phòng ngự.
Cái khôn của Capello nằm ở chỗ đó. Ông đưa ra thông điệp “Hãy chứng tỏ mình thay thế được Rooney” để bắn 2 cái đích. Thứ nhất, với Rooney, ông minh chứng anh là một người không thể thiếu, một tiền đạo ở đẳng cấp khác so với phần còn lại mà tất cả cần phải phấn đấu đạt tới. Thứ hai, với phần còn lại, ông muốn họ hiểu “cơ hội mở ra rất rộng cho ai làm tốt nhất khả năng có thể”. Bài toán tâm lý Capello đưa ra quả thật rất hiệu dụng trong thời điểm này.
Bài toán ấy cũng được áp dụng ở hàng thủ khi Thuỵ Điển giỏi chơi phản công với sự nhanh nhẹn, khéo léo của Ibra và Elmander. Ông sử dụng lại Terry, Cahill dù trận gặp TBN, Lescott và Jagielka đã làm rất tốt. Thông điệp ngầm là gì? Terry vẫn còn chỗ đứng nếu phong độ và thái độ thực sự tốt. Còn Lescott và Jagielka, đừng chủ quan nhé, cạnh tranh vẫn căng thẳng lắm!
Trong hoàn cảnh tuyển Anh hôm nay, Capello đang làm rất xuất sắc với tài trí đáng nể của một thương hiệu. Vậy thì, nói như chuyện Don Fabio, những ai chỉ trích ông hãy thử đưa ra một giải pháp nào khác đi, một đề nghị mà ông không thể chối từ đi...
Bongdaplus.vn