Góc nhìn M.U: Nén bạc đâm toạc tờ giấy
Các CLB bóng đá chuyên nghiệp thường rất kỹ tính trong chuyện tiền bạc. Man United chính là một ví dụ. Họ lẽ ra phải giảm giá vé cho các CĐV nhà trong trận đá lại Cúp FA gặp Cambridge sau màn trình diễn tệ hại trên sân đối phương, nhưng điều đó đã không xảy ra. Những người yêu mến đội bóng áo đỏ vẫn sẽ phải trả nguyên tiền vé như ở mọi trận cúp FA khác.
Sự kỹ tính đó càng khiến những tiết lộ mới đây trong báo cáo tài chính dày 26 trang của đội chủ sân Old Trafford trở nên đáng kinh ngạc. Một vài đoạn trong số đó cho thấy Sir Alex Ferguson đã nhận 2,165 triệu bảng sau khi giải nghệ mùa trước vì vai trò mới: “Đại sứ toàn cầu” cho CLB của ông.
Con số đó đáng chú ý vì nó mới bao gồm giai đoạn 8 tháng, từ 13/10/2013 tới 30/6/2014. Tính cả năm, mức lương của Ferguson đã về hưu có thể lên tới gần 3 triệu bảng. Để so sánh, như thế là cao hơn so với Roy Hodgson ở ĐT Anh và lương cơ bản của Antonio Conte khi ông 3 lần liên tiếp đưa Juventus vô địch Serie A, thậm chí cao hơn cả Joachim Loew, nếu chưa tính thưởng, vào năm mà ĐT Đức vô địch thế giới.
Ferguson cũng được trả cao hơn phần lớn các HLV Premier League còn làm việc, bao gồm HLV xuất sắc nhất mùa trước Brendan Rodgers. Ferguson có thể chỉ có lương bằng mức trung bình của một cầu thủ Premier League, vào khoảng 43.717 bảng/tuần, nhưng khoản tiền đó là đáng kinh ngạc bởi từ khi giải nghệ tới giờ, ông hầu như không làm gì. Sir Bobby Charlton, một huyền thoại khác ở Old Trafford, đang nhận 105.000 bảng/năm cũng trong vai trò đại sứ của CLB. Khoản lương của Sir Alex cũng là gấp 14 lần của thủ tướng Anh và bằng với tất cả những gì nội các Anh nhận trong một năm trời.
Lương của Sir Alex vẫn cao ngất ngưởng
Chắc chắn sẽ có những CĐV Man United thấy số tiền đó là xứng đáng. Thêm nữa, tiền bạc luôn là chủ đề nhạy cảm. Ferguson đã tạo dựng nên 26 năm vĩ đại ở Old Trafford. Ông cũng không phải là người duy nhất được trả quá cao trong bóng đá (Bebe từng có giá 7,4 triệu bảng nhưng là một thất bại toàn diện). Nhưng mức lương đó còn khiến Ferguson đang nhận nhiều hơn so với người thực sự điều hành đội bóng, Ed Woodward, 2,521 triệu bảng mỗi năm, cũng là giám đốc điều hành được trả lương cao nhất ở Premier League hiện giờ.
Cuốn tự truyện của Ferguson bản in mới nhất đã kịp cập nhật năm đầu tiên của ông sau khi giải nghệ. Ông đã đi du thuyền thăm thú quần đảo Hebrides ở Scotland, tiệc tùng ở Barbados, là khách mời của Dave Whelan và đi du lịch khắp nơi cùng bà xã Cathy và gia đình. Ông cũng có chuyến “lưu diễn ký tặng sách” qua London, Manchester, Glasgow, Dublin và Aberdeen. Ông tới dự giải Oscar, chạm cốc với Samuel L Jackson, Reece Witherspoon và hàng loạt ngôi sao điện ảnh hạng A khác, rồi tham gia chương trình “Ai là triệu phú?” ở Anh, cũng như nói chuyện về quần vợt với Serena Williams.
Ông hoàn toàn xứng đáng với những điều đó sau bao năm tận hiến và lao động miệt mài. Ông cũng đã là khách mời của Charlie Rose trong chương trình “talk-show” (trò chuyện trên truyền hình) của đài PBS, có mặt trong lễ bốc thăm cúp Quốc gia Sctoland, phẫu thuật hông và tham gia làm tư vấn trong các khóa giảng dạy về quản trị nhân sự tại Đại học Harvard. Tuy nhiên, trong cuốn tự truyện mới, không có một dòng nào giải thích về vai trò “đại sứ” của ông ở Man United.
“Lần duy nhất bạn nghe họ lên tiếng là khi họ muốn có thêm tiền, một hợp đồng mới, hay một ai đó muốn ra đi”, Ferguson từng nói về các cầu thủ trong cuốn tự truyện. Con trai ông, chắc nhiều người đã biết, là một tay cò cầu thủ, và là người thực hiện nhiều thương vụ của bố. Sẽ rất mạo hiểm nếu phán xét Ferguson, nhưng có điều gì đó bất hợp lý đang xảy ra ở Old Trafford.