1. 1996-2002: Xây dựng một Arsenal dựa trên nền tảng là sự chắc chắn
Điều may mắn dành cho Wenger khi ông tiếp quản chiếc ghế tại Arsenal vào năm 1996 đó chính là việc những thành quả nhân sự của Pháo thủ từ thời của George Graham hầu như vẫn được giữ nguyên dù cho đội bóng đã trải qua liên tiếp ba đời HLV (Bruce Rioch, Stewart Houston và Pat Rice).
Lúc đó, Arsenal đang sở hữu một hàng thủ gồm khá nhiều những tên tuổi như Lee Dixon, Tony Adams, Steve Bould, Nigel Winterburn rồi cả Martin Keown và David Seaman – đó thực sự là một tài sản quý mà những người tiền nhiệm của Wenger đã không thể tận dụng, và việc của Wenger chỉ là phát triển các phương án tấn công cho đội bóng dựa trên nền tảng là hàng phòng ngự vững chắc với những cái tên nói trên.
Arsene Wenger đã đến và làm thay đổi bộ mặt của Arsenal trong giai đoạn này
Nhưng cái hay của Wenger chính là việc ông đã rất sáng suốt khi chiêu mộ Patrick Vieira và Emmanuel Petit. Chính bộ đôi này không những tạo nên một bức tường từ xa án ngữ trước mặt của bộ tứ vệ nói trên để làm tăng thêm sự chắc chắn cho phần sân nhà của Pháo thủ mà họ còn chính là cầu nối để giúp Arsenal rất nhanh chóng chuyển từ thế trận phòng ngự sang tấn công.
Kết hợp với những Dennis Bergkamp, David Platt, Marc Overmars và Nicholas Anelka trên hàng công, Arsenal đã giành chức vô địch giải ngoại hạng ở hai mùa giải là 1997-98 và 2001-02.
2. 2002-2006: “Dream team” Arsenal
Đây là khoảng thời gian khó khăn dành cho Arsene Wenger khi mà hàng loạt các trụ cột của đội bóng đã ra đi (Anelka, Overmars, Petit) hay đã giải nghệ (Lee Dixon, Tony Adams, Steve Bould, Nigel Winterburn). Chính điều đó đã khiến Giáo sư không những phải xây dựng lại đội bóng mà còn phải thay đổi cả triết lý bóng đá để phù hợp hơn với hoàn cảnh.
Vẫn là dựa trên sự chắc chắn nơi hàng phòng ngự nhưng Arsenal đã thay đổi mạnh mẽ về các phương án tiếp cận khung thành: triển khai bóng với tốc độ cao, kết hợp giữa những pha phối hợp ít chạm với những đường ban ngắn, nhanh.
Arsenal đã khiến cả châu Âu phải kính nể với phong độ ấn tượng của mình
Đội hình Arsenal ở giai đoạn này là sự kết hợp hoàn hảo giữa kĩ thuật, tốc độ và sức mạnh với những Sol Campbell ở hàng thủ, Vieira ở giữa sân và đặc biệt là đứa con của thần gió Thierry Henry. Ngoài ra, những cái tên như Robert Pires, Ashley Cole, Gilberto Silva, Kolo Toure hay Fredrik Ljungberg…Arsenal đã tạo ra được một hiệu ứng cực kì ấn tượng tại giải ngoại hạng và đỉnh cao chính là chức VĐ mùa bóng 2003-04 với thành tích 38 trận bất bại suốt cả mùa giải (thắng 26 hòa 12) mà có lẽ sẽ còn lâu nữa các đội bóng ở giải bóng đá cao nhất xứ sở sương mù mới có thể phá vỡ được.
3. 2006-2012: Arsenal với khả năng kiểm soát bóng mang thiên hướng Tây Ban Nha
Đây chính là giai đoạn mà Arsenal có sự thay đổi mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất lẫn tư tưởng bóng đá. Arsenal đã tạm biệt “mái lều tranh” Highbury để chuyển sang căn “biệt thự” Emirates rộng hơn và khang trang hơn gấp nhiều lần. Nhưng điều đó lại đồng nghĩa với việc Arsenal phải tiêu tốn rất nhiều tiền của, và tình thế đó buộc Wenger không còn cách nào khác là phải bán bớt đi những ngôi sao của mình và khiến đội bóng rơi vào thời kì “thắt lưng buộc bụng”.
Patrick Vieira đã ra đi và chiếc áo số 4 được trao vào tay của một cầu thủ còn rất vô danh là Cesc Fabregas – một cầu thủ nhỏ con hơn Vieira rất nhiều cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy nhiên Wenger lại nhận thấy những tố chất tiềm tàng của cầu thủ trẻ người Tây Ban Nha, chính vì thế ông đã chấp nhận thay đổi sơ đồ chiến thuật ưa thích là 4-4-2 sang 4-5-1.
Wenger đã thay đổi toàn bộ Arsenal vì Fabregas
Với sơ đồ chiến thuật mới, Arsenal của Wenger thay vì những bài phản công tốc độ cao thì lại tập trung vào việc kiểm soát bóng nhiều hơn. Với trung tâm là Fabregas và xung quanh là những vệ tinh như Tomas Rosicky, Sami Nasri và Alexander Hleb, Arsenal tỏ ra vượt trội về thời gian kiểm soát bóng trong các trận đấu tuy nhiên điều đó lại không thể giúp Arsenal tìm kiếm được các danh hiệu dù cho họ luôn có mặt trong nhóm những đội bóng hàng đầu.
4. 2012 - : Khi chủ nghĩa thực dụng lên ngôi
Người ta khó có thể trông chờ vào việc thầy trò Wenger có thể lấy lại hình ảnh như trước đây khi mà đội bóng đã phải chịu ảnh hưởng quá nhiều vì vấn đề tài chính. Nhìn lại toàn bộ đội hình Arsenal lúc này thì thật khó để mong rằng Pháo thủ sẽ có thể cạnh tranh chức VĐ với những đại gia khác như MU, Chelsea, Man City hay thậm chí là cả gã hàng xóm khó ưa Tottenham.
Thực dụng để tồn tại còn hơn là bảo thủ để rồi tụt hậu
Vấn đề trọng tâm nhất mà có lẽ Arsenal sẽ phải thực hiện thường xuyên trong tương lai gần đó chính là việc họ phải đảm bảo duy trì được một vị trí trong top 4. Điều đó đồng nghĩa với việc Arsenal vẫn có thể góp mặt tại sân chơi Champions League và biết đâu nếu như Wenger nhận được những khoản tiền mua sắm giá trị thì việc được tham dự giải đấu cao cấp nhất châu Âu cấp CLB sẽ là một điều kiện để Arsenal có thể thu hút được những bản hợp đồng chất lượng, bổ sung vào đội hình vốn chẳng lấy gì làm đầy đủ cho lắm.
Thế mới nói, thực dụng mà thắng còn hơn là đá đẹp rồi phải nhận thất bại.
Mr X (Báo bóng đá điện tử ibongdavn.com)