Lục tung giới bóng đá khắp hành tinh, thời điểm này có lẽ không còn “ông thầy” nào uy tín hơn… Tây Ban Nha.Quá khứ xa xưa, Tam sư nhìn những chú Bò tót với sự ghẻ lạnh, rẻ khinh. Họ có lý, cũng có quyền làm điều ấy. Bởi ngoài những màn đối kháng thường có kết quả thuận lợi nghiêng về người Anh, thì trên khía cạnh thành tích ở các đấu trường lớn, ĐT Anh cũng vượt trội ĐT Tây Ban Nha. Giai đoạn dài nhiều thập kỷ đó, Tam sư luôn là ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch các giải đấu, trong khi Tây Ban Nha kém cỏi chỉ được coi là “ông vua vòng loại”.
Bây giờ, gió đã xoay chiều. Từ cấp CLB đến ĐTQG, bóng đá xứ sở Bò tót đang làm mưa làm gió ở mọi đấu trường. Cấp CLB, Barca gần như thống trị làng cầu thế giới trong khoảng nửa thập kỷ trở lại đây. Còn trên bình diện ĐTQG, Tây Ban Nha từ một kẻ vô danh đã thâu tóm cùng lúc 2 danh hiệu vô địch thế giới và vô địch châu Âu gần nhất, bằng sức mạnh của một kẻ siêu hủy diệt.
Như một thành quả tất yếu, các tuyển thủ Tây Ban Nha đi đâu cũng được trọng vọng. Họ đua nhau góp mặt trong các cuộc đua giành danh hiệu cá nhân. Ở các ông lớn của bóng đá châu Âu bây giờ, sự hiện diện của các ngôi sao mang quốc tịch Tây Ban Nha hoặc được đào tạo, trưởng thành trong môi trường La Liga nhiều vô kể. Có họ là có điểm tựa cho thành công!Nhìn vào thành công của bóng đá Tây Ban Nha, chẳng cứ những người làm bóng đá Anh, mà đến cả những cường quốc bóng đá thế giới như Brazil, Argentina hay Italia, Đức, Pháp… cũng phải nể phục, phải ghen tị và phải học hỏi.
Với riêng FA và ĐT Anh, sự học hỏi và tinh thần cầu thị càng phải nghiêm túc hơn nữa. Bởi trong sự vươn lên thiết lập thế đại gia của Premiership ở cấp CLB, bóng dáng và dấu ấn của những gì mang chất Anh cứ ngày một giảm dần đi. Một Premiership thiếu cá tính, là sự hòa trộn hỗn tạp theo kiểu liên hợp quốc để chạy theo vinh hoa và sự hào nhoáng của tiền tài, danh vọng… đang khiến ĐTQG Anh phải trả giá đắt khi tham dự các đấu trường lớn dù trên lý thuyết, họ liên tục sở hữu những HLV tài giỏi và các “thế hệ vàng”.
Tìm hiểu nguyên nhân, người ta phát hiện ra rằng khi bản sắc Anglo-Xason mất đi, Tam sư không còn là chính họ. Con đường trở lại ánh hào quang, có 2 cách, một là tìm cách lấy lại cá tính và sức mạnh của “kick & rush” truyền thống, hai là phải chuyển mình theo guồng vận động của cuộc chơi.
Liên tiếp đưa về các ông thày ngoại để theo đuổi hoài bão vinh quang trong ngắn hạn, khó mà tin bóng đá Anh sẽ tìm lại được chất Anglo-Xason. Thế thì con đường phải điều chỉnh bản thân mình hẳn là hướng đi của Tam sư. Nhưng khi đã quyết định thay đổi, mô hình nào để đi theo là rất quan trọng.
Có người bảo Capello thích phong cách Hà Lan. Có người nói ĐT Anh chạy theo mô hình Đức. Nhưng việc chọn Tây Ban Nha làm “quân xanh” tới 2 lần trong 1 năm qua đã chứng tỏ sự quan tâm của Capello và cộng sự tới lối chơi của đội bóng xứ sở Bò tót. Có lẽ, Capello muốn có lời giải cho câu hỏi: Tại sao M.U thua Barca, tại sao ĐT Anh thua ĐT Tây Ban Nha và liệu rằng với tố chất của các cầu thủ Anh, Tam sư sẽ học được gì từ đối thủ?
Bongdaplus.vn