Derby Bắc London: Vì sao ghét nhau đến thế?
Sol Campbell kết thúc hợp đồng với Tottenham vào năm 2001, và anh gia nhập Arsenal trong tư cách cầu thủ tự do. Nhưng NHM Tottenham vẫn thù hằn ngôi sao mà họ gọi là “Judas” đến nỗi gần chục năm sau đó (2009), tòa án phải cấm nhiều CĐV Tottenham lai vãng đến bất kỳ sân bóng nào ở Anh, vì những câu nhục mạ không thể chấp nhận nhằm vào Campbell.
Đấy chỉ là một trong rất nhiều chi tiết có thể khắc họa sự kình địch giữa 2 đội bóng trong cặp derby Bắc London - một trong những cặp derby khốc liệt nhất trên sân cỏ Anh. Arsenal và Tottenham kình nhau đến mức đôi khi các CĐV trẻ tuổi của một trong hai đội không hiểu vì sao họ lại... ghét nhau như vậy!
Nguyên nhân dễ hiểu và đơn giản nhất: không một thủ đô nào ở châu Âu có nhiều đội bóng đỉnh cao như London. Ngoài nhu cầu phải thắng nhau để khẳng định vị trí số 1, cả Tottenham lẫn Arsenal đều có nhu cầu cạnh tranh từng CĐV một trong hoàn cảnh “đất chật người đông”. Đấy chính là 2 đội giàu truyền thống nhất ở London (Chelsea chỉ mới vươn lên trong kỷ nguyên Abramovich, với chức VĐQG đầu tiên trong nửa thế kỷ hồi năm 2005).
Nhưng còn có những nguyên nhân khác khiến các cổ động viên Tottenham chỉ “ghét nhất là Arsenal” (và ngược lại), chứ họ không ghét Chelsea, Fulham, West Ham, Crystal Palace hoặc QPR đến mức thù hằn thế. Ban đầu là chuyện cạnh tranh đất đai, từ hồi thế kỷ 19 (suy cho cùng, lịch sử chiến tranh cũng là lịch sử tranh giành đất đai mà). Hồi đầu những năm 1900, CĐV của Tottenham và Arsenal có thể ngồi ở SVĐ của mình và bắn ná sang sân SVĐ đối phương.
Năm 1919, giới quản lý bóng đá Anh quyết định mở rộng giải VĐQG từ 20 lên 22 đội. Tottenham và Chelsea được trụ hạng dù đứng chót bảng. Arsenal chỉ đứng thứ 6 ở giải hạng Nhì, nhưng họ tuyên bố mình xứng đáng dự giải VĐQG và yêu cầu xét lại quy định.
Cuối cùng, người ta thỏa thuận: bỏ phiếu để xét một suất chót dự giải VĐQG cho đội đứng chót giải hạng Nhất (Tottenham) và 6 đội cao nhất ở giải hạng Nhì (có Arsenal). Kết quả: Arsenal được nhiều phiếu nhất. Sau khi “gạo đã thành cơm”, người ta mới biết ông chủ Henry Norris của Arsenal đã “mua phiếu”. Ông này bị cấm hoạt động bóng đá vĩnh viễn, nhưng Tottenham thì đành đá giải hạng Nhì, trong uất hận!
Từ đó trở đi, sự thù hằn giữa Tottenham và Arsenal cứ ngày càng tăng chứ không giảm đi, cả trong lẫn ngoài sân bóng, cho đến khi cặp derby bắc London được định hình trong kỷ nguyên hiện đại.