Depay sẽ tỏa sáng nếu M.U chịu kiên nhẫn
Để có được tấm vé thông hành sang M.U, tất nhiên Depay phải làm được những điều đáng nể. Mới 21 tuổi, anh đã có 2 năm khoác áo ĐT Hà Lan với tổng cộng 17 lần ra sân. Hồi mùa Hè năm ngoái, cầu thủ chạy cánh mới được Quỷ đỏ mua về từ PSV với giá 31 triệu bảng (cao thứ 3 lịch sử M.U sau Angel Di Maria và Juan Mata) mới cùng Oranje giành vị trí thứ 3 ở World Cup 2014. Ở cấp độ CLB, Depay đã giành danh hiệu vua phá lưới giải VĐQG Hà Lan (Eredivisie) mùa trước với thành tích 22 lần làm tung lưới đối phương.
VIDEO: 5 bàn thắng đẹp nhất của Memphis Depay cho PSV mùa này |
---|
Với một cầu thủ còn rất trẻ và lại chơi ở vị trí chạy cánh như Depay, ghi được nhiều bàn thắng như thế tất nhiên là thành tích rất ấn tượng. Chính vì thế, các fan của M.U có lý do để đặt nhiều kỳ vọng vào tân binh tới từ Hà Lan. Tuy vậy, họ cũng không nên trông chờ vào khả năng Depay có thể tỏa sáng rực rỡ ngay sau khi vừa đặt chân đến Old Trafford. Nên nhớ, Depay chưa có kinh nghiệm thi đấu ở Premier League, cũng như có cơ hội chứng tỏ cho tất cả thấy anh chẳng hề thua kém hai đàn anh Ashley Young và Angel di Maria.
Cũng cần phải nói thêm rằng, lịch sử đã chứng minh không phải cầu thủ nào chơi tốt ở giải vô địch Hà Lan đều gây được ấn tượng mạnh khi ra nước ngoài thi đấu. Đơn cử như trường hợp của Alfred Finnbogason, cầu thủ đã đóng góp 29 bàn/32 trận cho Heerenveen ở mùa giải 2013/14 (qua đó giành danh hiệu vua phá lưới giải Hà Lan) chỉ “nổ súng” vỏn vẹn 3 lần sau khi chuyển đến Real Sociedad hồi mùa Hè năm ngoái.
Trước đó một năm, vua phá lưới Eredivisie 2012/13 Wilfried Bony sau khi rời Vitesse đã chơi tốt trong màu áo Swansea City. Tuy nhiên, kể từ khi được Manchester City mua về với giá 25 triệu bảng (có thể tăng lên thành 28 triệu), anh lại tỏ ra mờ nhạt và mới đóng góp 2 bàn/9 trận cho The Citizens.
Trước đó nữa, một ông vua phá lưới giải Hà Lan khác là Afonso Alves từng nổi đình nổi đám khi ghi đến 34 bàn/31 trận cho Heerenveen ở mùa giải 2006/07 cũng “tắt điện” sau khi chuyển sang Middlesbrough. Dù được mua về với giá rất cao (14,5 triệu bảng), song cầu thủ người Brazil này chỉ ghi được 10 bàn/41 trận cho Middlesbrough trước khi được bán lại cho Al-Sadd với giá 7 triệu bảng.
Nói vậy để thấy, không phải cứ mua vua phá lưới giải Hà Lan là các đội bóng sẽ có ngay một một tay săn bàn thượng hạng. So với Eredivisie, Premier League được đánh giá là giải đấu có chất lượng chuyên môn và độ khắc nghiệt cao hơn nhiều. Thế nên, nếu Depay có cần nhiều thời gian để thích nghi với giải Ngoại hạng thì các CĐV M.U cũng không nên quá sốt ruột. Đơn giản, điều đó chỉ khiến cầu thủ gốc Ghana phải chịu thêm nhiều áp lực và gặp khó khăn hơn trong việc khẳng định giá trị ở M.U.