Có một Premier League đậm chất Cam
Premier League được mùa Cam
Sở dĩ nói các tín đồ túc cầu mang quốc tịch Hà Lan có thêm lý do để theo dõi giải Ngoại hạng là bởi lúc này có đến 3 nhà cầm quân đồng hương với họ đang tranh tài ở Premier League. Ngoài người mới đến Advocaat, trong danh sách những HLV người Hà Lan đang làm việc ở giải đấu cao nhất xứ sở sương mù còn có Louis van Gaal của Manchester United và Ronald Koeman của Southamton.
Như vậy, Hà Lan đã chính thức vượt qua xứ Wales để trở thành quốc gia nước ngoài đóng góp nhiều HLV nhất cho giải Ngoại hạng vào thời điểm hiện tại. Lúc này, xứ Wales có 2 HLV đang làm việc ở Premier League là Mark Hughes (Stoke City) và Tony Pulis (West Brom).
Đáng chú ý, trong suốt chiều dài lịch sử Premier League, chưa bao giờ người ta được chứng kiến việc có nhiều HLV Hà Lan cùng làm việc ở giải Ngoại hạng như bây giờ. Nếu tính cả Ruud Gullit (Chelsea, Newcastle), Martin Jol (Tottenham, Fulham), Guus Hiddink (Chelsea) và Rene Meulensteen (Fulham), đã có tổng cộng 7 HLV đến từ “vùng đất thấp” thử sức ở giải Ngoại hạng. Tính ra, Hà Lan chỉ chịu xếp sau Italia (9) trong danh sách các quốc gia ngoài Vương quốc Anh có nhiều HLV nhất ở Premier League.
Các HLV Hà Lan làm việc ở Premier League
Ngọt ngào và đắng cay
Ngoại trừ Meulensteen, đa phần các HLV Hà Lan đều gặt hái được những thành quả đáng khích lệ trên đất Anh. Thực ra vài người trong số họ cũng phải nếm trái đắng, nhưng lý cho chính không phải nằm ở chỗ họ quá yếu về chuyên môn. Đơn cử như trường hợp của Ruud Gullit. Hồi còn dẫn dắt Chelsea ông từng giúp The Blues giải tỏa cơn khát danh hiệu kéo dài suốt 26 năm bằng chức vô địch FA cúp năm 1997. Vậy mà ở mùa giải tiếp theo, khi đang cùng Chelsea có được vị trí thứ 2 trên BXH Premier League, ông lại bị sa thải vì bất đồng về chuyện lương, thưởng.
Một ví dụ khác là Martin Jol. Đây là HLV từng giành danh hiệu nhà cầm quân hay nhất Premier League tháng12/2004 nhờ giúp Tottenham thắng liền một mạch 5 trận. Rất tiếc cho Martin Jol là sau đó ông lại không được phép mua những cầu thủ mà mình muốn, đồng thời phải chia tay với những học trò mà mình thực sự “kết” như tiền đạo Dimitar Berbatov. Kết quả của việc HLV và BLĐ Tottenham không tìm được tiếng nói chung là Martin Jol phải ra đi để nhường chỗ cho Juande Ramos vào năm 2007.
Không xét đến những người vẫn còn đang tại vị như Koeman, Van Gaal và mới đây nhất là Advocaat, chỉ có nhà cầm quân bậc thầy Guus Hiddink là có thể rời nước Anh trong vinh quang. Năm 2009, dù chỉ ký hợp đồng ngắn hạn với Chelsea, ông vẫn bổ sung được vào bộ sưu tập các danh hiệu của mình một chiếc cúp FA. Ngoài ra, Chelsea chỉ chịu thua đội sau đó đã lên ngôi vô địch Champions League là Barca ở bán kết bởi luật bàn thắng trên sân khách.
Dấu ấn người Hà Lan
Với việc phần lớn các HLV Hà Lan đều cho thấy được chuyên môn tốt khi làm việc ở Anh, việc có tới 3 nhà cầm quân đến từ xứ sở hoa tulip đang tranh tài ở đây thực sự là tín hiệu đáng mừng với những tín đồ của túc cầu giáo. Chưa biết tương lai của những Van Gaal, Koeman và Advocaat sẽ như thế nào, nhưng chí ít thì thực tế đã chứng minh những HLV Hà Lan đã mang đến cho giải Ngoại hạng rất nhiều cá tính và màu sắc.
Nên biết, trước khi Gullit đặt chân đến Chelsea, đội bóng phía Tây thành London chủ yếu sử dụng “hàng nội” chứ không phải là tập thể “liên hiệp quốc” như bây giờ. Nhờ có chiến lược mua sắm do ông đặt nền móng, Chelsea mới lớn mạnh theo từng ngày và giờ đây đã trở thành một thế lực không chỉ ở Anh mà còn toàn châu lục.
Tottenham thì dù đã chia tay Martin Jol từ lâu, nhưng lối chơi phóng khoáng của họ bây giờ vẫn còn in đậm dấu ấn của cựu HLV Ajax. Những gì mà Hiddink đã làm được cho Chelsea chỉ trong vài tháng ngắn ngủi thì đã quá đủ để xếp ông vào hàng “quái kiệt”. Về phần mình, Koeman đang biến Southampton thành đội bóng có hàng thủ khó bị đánh bại nhất nước Anh.
Trong khi đó, HLV Van Gaal lại cho thấy được bản lĩnh của một nhà cầm quân có một không hai khi sẵn sàng đưa ra những quyết định chẳng giống ai bất chấp sức ép từ dư luận. Tóm lại, dấu ấn mà các HLV Hà Lan để lại ở giải Ngoại hạng Anh là hết sức rõ nét. Không có họ, sức hút của giải VĐQG được đánh giá là hấp dẫn nhất hành tinh hẳn sẽ mất đi rất nhiều gia vị.