Chelsea với nhiệm vụ bảo vệ ngôi vương: Số trời hay ý người?
* Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2015/16
Mourinho bổ sung: “Tại Premier League những năm qua, không thể đoán trước bất kỳ điều gì”. Dù vậy, vẫn có một quy luật mà Chelsea không muốn tiếp tục tuân theo, đó là chưa đội nào bảo vệ được chức vô địch Anh kể từ mùa 2009/10.
Mùa giải 2008/09, sau khi vô địch M.U đã để Tevez ra đi, còn Ronaldo bằng mọi giá đến với Real Madrid. Quỷ đỏ dù thu được số tiền kỷ lục thế giới 80 triệu bảng nhờ bán CR7, nhưng thực tế HLV Alex Ferguson không mong muốn điều này. M.U chỉ đem về Valencia, Biram Diouf, Owen (đã qua đỉnh cao từ lâu), Orbetan và… mất chức vô địch vào tay Chelsea.
Sau mùa 2009/10, Chelsea mất Ballack, Deco, Carvalho, Belletti, Joe Cole; Họ mua Benayoun và Ramires, kết quả… M.U vô địch.
Sau mùa 2010/11, Quỷ đỏ không còn Van der Sar, Scholes, Hargreaves, Brown; họ mua De Gea (chơi tồi mùa đầu), Young, Jones. Man City vô địch.
Sau mùa 2011/12, Man City mất De Jong, Balotelli, Johnson; họ mua Garcia, Rodwell, Sinclair, Nastasic, Maicon. M.U vô địch.
Sau mùa 2012/13, M.U mua Fellaini nhưng Alex Ferguson giải nghệ. Man City vô địch.
Sau mùa 2013/14, Man City bán Negredo, Richards, Lescott, mua Sagna, Caballero, Fernando, Mangala, mượn Lampard. Chelsea vô địch.
Sau mùa 2014/15, Chelsea có Begovic và Falcao (không còn ở đỉnh cao) nhưng mất hai huyền thoại Cech và Drogba...
Chelsea (xanh) sẽ trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vương kể từ mùa 2009/10?
Lịch sử gần đây cho thấy sau khi vô địch nước Anh, đội ĐKVĐ hoặc không tăng cường được sức mạnh (mua người kém, hoặc không mua được người ưng ý) hoặc sút giảm sức mạnh vì không thay thế được những người ra đi. Nghịch lý ở chỗ, Man City, M.U hay Chelsea đều rất giàu có, nhưng lại gặp khó khăn trong việc mua được và mua đúng những người cần mua, vì nhiều lý do khác nhau. Phải chăng, đó là số mệnh để Premier League luôn hấp dẫn (vì luôn có nhà vua mới) sau từng mùa giải?
Nhưng Mourinho sổ toẹt thuyết số mệnh. Ông tin rằng thành bại chủ yếu do con người, dù yếu tố may rủi cũng góp một phần đáng kể. Ví dụ, Mourinho khẳng định mua cầu thủ là chuyện rất may rủi, bởi nếu xét về logic chuyên môn thì thật khó tin Fernando Torres ở Chelsea, Angel Di Maria ở M.U hay Andriy Shevchenko ở Chelsea là những vụ chuyển nhượng thất bại nặng nề.
Premier League vì thế thoạt nhìn khá đơn giản nhưng không hề giản đơn. Những ai cho rằng bóng đá Anh chỉ chạy và sút như ngày xưa chắc không theo dõi Premier League ở thì hiện tại hoặc quá khứ gần. Thú vị ở chỗ, giải Ngoại hạng Anh thường không ưu ái các nhà vô địch, vì một cái dớp thường thấy là ngay sau mùa giải đăng quang lập tức vận rủi kéo đến liên tục, như chấn thương hàng loạt, phong độ trụ cột sa sút hoặc những vụ mua người bỗng kém hiệu quả.
Bạn không thể nói là Man City nhìn người kém khi gia hạn nhiều năm với Kompany, Nasri, Aguero và một loạt hảo thủ khác sau mùa giải đăng quang 2013/14, song chỉ một mùa sau đa số gây thất vọng đến mức bất ngờ. Rủi ro nghề nghiệp và sự khó lường của Premier League (với không dưới 5 đội có khả năng vô địch) khiến hành trình của nhà ĐKVĐ lúc nào cũng gập ghềnh, khúc khuỷu hơn hẳn các đội khác. Mourinho nhớ lại: “Khi Newcastle đánh bại Chelsea, có cảm giác họ ăn mừng như thể vô địch thế giới”.
Đấy, khoan nói đến chuyện thống trị lâu dài, chỉ riêng việc bảo vệ ngôi vương đã là cực khó, nên Chelsea chỉ tập trung 100% cho hiện tại. Đó cũng là điều làm Premier League hấp dẫn hơn hẳn các giải khác.