*Bạn có thể bày tỏ quan điểm của mình trên
Vậy mà bằng cách nào đó, bất chấp mọi logic, những kỳ vọng, tỉ lệ cá cược, biểu đồ phong độ và mọi bình luận trước trận đấu (ai nói rằng để có một kết quả tốt ở Barca phải chơi với 10 người trong một tiếng đồng hồ, hay để thủng lưới trước 2 bàn trong hiệp 1, hay để đối phương hưởng một quả penalty), đội bóng áo xanh đã có mặt ở Champions League.
Nếu như ở Camp Nou là một cuộc chiến, thì Chelsea rời đó với một chiến thắng khiến họ trở nên què cụt, mất John Terry, Branislav Ivanovic, Ramires và Raul Meireles, và chờ đợi trong tuyệt vọng Gary Cahill và David Luiz sẽ trở lại kịp sau chấn thương cho trận chung kết ở Munich. Tuy nhiên, bạn đừng vì thế mà đánh cược ngược lại với họ, dù tình thế có như thế nào, nhất là sau những gì diễn ra ở Barcelona.
Trên sân bóng mà M.U bước vào những phút bù giờ bị dẫn trước và kết thúc là nhà vô địch Champions League, Chelsea cũng đã làm được điều tưởng như không thể. Họ thể hiện một điều hoàn toàn mới dưới ánh mặt trời, điều chưa bao giờ thấy trước đó, một cuộc tử thủ thực sự như trong phim 300 ở khe núi hẹp phía trước khung thành Petr Cech.
Inter Milan cũng vào chung kết Champions League với 10 người vào 2 năm trước và thua trận 0-1. Chelsea còn làm được hơn thế, họ cũng chơi với ít người hơn, nhưng đã không thất bại. Fernando Torres đã gỡ hòa, đúng vào phút cuối cùng, khi mà các cầu thủ Barcelona ngã gục trên sân bóng từng chôn vùi hy vọng của Bayern Munich 13 năm về trước. Những ai có đủ may mắn chứng kiến cả hai buổi tối đó hẳn đều chia sẻ chung một cảm xúc: sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của bóng đá, như một bản hùng ca.
Nếu bạn không yêu Barca, hiếm có buổi tối nào lại ngất ngây đến thế. Ở Camp Nou tối thứ Ba không chỉ là vẻ đẹp của kỹ thuật, những đường đan bóng thêu hoa dệt gấm hay lối đá điệu nghệ đã được nâng lên thành nghệ thuật của những nhà đương kim vô địch. Còn hơn thế, đó là vẻ đẹp của lòng can đảm, sự kiên cường vô song và quyết tâm không gì sánh được trước thử thách có lẽ là lớn nhất không chỉ với Chelsea thời Roman Abramovich, mà là trong cả lịch sử CLB áo xanh, một chiến thắng phi thường của ý chí không gì dập tắt được, trong một hoàn cảnh bị dồn ép căng thẳng mà ở cả châu Âu lúc này đây, có lẽ chỉ Chelsea là vẫn đủ sức trụ vững.
Đòn knock-out của chàng David
Hãy nghĩ về sự tập trung mà các cầu thủ của Roberto Di Matteo phải có trong 45 phút của hiệp 2, hiệp đấu dài nhất trong lịch sử Stamford Bridge. Hãy nghĩ về lòng quyết tâm của Didier Drogba khi anh vừa có mặt ở cột cờ góc hỗ trợ phòng ngự đã lại đơn thương độc mã xông xáo trong vòng vây các cầu thủ áo bã trầu. Hãy nghĩ về Torres trăm năm mới có một ngày. Hãy nghĩ xem đã bao lâu rồi mới có một đội gỡ hòa sau khi đã bị dẫn trước 2 bàn ở Camp Nou.
Một trận bóng đá sẽ không thể hay hơn như thế khi một bên, với tất cả sức mạnh, sự ngạo nghễ, vị thế bề trên và sự ủng hộ cuồng nhiệt của sân nhà, vào vai ngọn mâu sắc bén nhất ở Champions League. Còn bên kia, với chỉ 10 người còn lại, một hàng thủ hai tầng, những pha phạm lỗi không ngần ngại và ý chí sắt đá, như một tấm thuẫn không thể xuyên thủng. Cuối cùng, ý chí phi thường đã giúp kẻ yếu hơn chiến thắng. Nếu đây là một trận quyền anh, thì Chelsea đã chịu đòn gần như từ đầu đến cuối, trúng hai cú móc choáng váng ngay từ đầu trận nhưng rồi với đúng hai cú đấm trả, họ đã nốc ao luôn đối phương.
Những gì cần thiết đều đã được Chelsea thực hiện: Thủ môn là người hay nhất trận, hàng thủ hai tầng, một chiếc xe tăng, chứ không chỉ là xe buýt, và một chiếc xe tăng biết bắn trả, với bàn gỡ của Ramires và phát súng ân huệ từ chân Torres. Nhiều người nói rằng Chelsea gặp may và Barca bị vận rủi đeo bám với những lần sút trúng khung gỗ và quả phạt đền đá hỏng, nhưng chỉ bằng vào tinh thần đội bóng của Di Matteo đã thể hiện, không có chiến thắng nào xứng đáng hơn chiến thắng ở Camp Nou.
Kỳ tích của Di Matteo Vòng 1/8 Chelsea - Napoli Sân khách: 1-3* Sân nhà: 4-1 Chung cuộc: 5-4 Tứ kết Chelsea - Benfica Sân khách: 0-1 Sân nhà: 2-1 Chung cuộc: 3-1 Bán kết Chelsea - Barca Sân nhà: 1-0 Sân khách: 2-2 Chung cuộc: 3-2 |
Trần Trọng
Thethaovanhoa.vn