Chelsea khủng hoảng: Bóng của Jose hay Felipe?
BI KỊCH LATIN 2008
Mùa Hè năm 2008, Chelsea sa thải Avram Grant và bổ nhiệm Luiz Felipe Scolari, để hiện thực hóa cái ước vọng cố hữu của ông chủ Nga: sở hữu một thứ bóng đá quyến rũ. Gần như ngay lập tức, HLV người Brazil thổi vào Stamford Bridge một luồng gió mới. Với sơ đồ 4-1-4-1 đậm chất tấn công, ông tạo ra một khởi đầu tuyệt đẹp: cho tới vòng 8, Chelsea thắng 6 và chỉ hòa 2 trước Tottenham và Man United, dẫn đầu BXH.
Nhưng thảm họa bắt đầu ở vòng 9, khi họ để thua Liverpool trên sân nhà. Đó là thất bại chấm dứt chuỗi trận bất bại kỷ lục kéo dài tới 86 trận kể từ năm 2004. Sau đó là một cuộc sụp đổ hệ thống: bị loại khỏi League Cup bởi đội hạng dưới Burnley, bị Roma đè bẹp 3-1 tại Champions League, hòa Newcastle trên sân nhà (đó là mùa mà Newcastle đã cực kỳ suy yếu, sau đó xuống hạng).
Sau đó, Chelsea thua tiếp Arsenal trên sân nhà, rồi trong mùa Đông năm đó, bị cầm hòa bởi West Ham, Hull City, Fulham… Chức vô địch càng lúc càng xa tầm tay, HLV Scolari không thể tạo ra sự đột biến nào để đảo chiều cuộc lao dốc không phanh. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi Abramovich hết kiên nhẫn, sa thải Scolari để bổ nhiệm Guus Hiddink. HLV người Hà Lan đã xoay chuyển cục diện, nhưng chỉ mang về cho Chelsea một chức vô địch FA Cup và giữ cho họ suất dự Champions League trong mùa giải sau đó.
ĐIỀM BÁO CHO 2012?
Mặc dù xét về điểm số, Chelsea của năm 2012 giống Chelsea của năm 2005, nghĩa là khi Jose Mourinho còn tại vị và họ đang ở thế thống trị Premiership trong sự bất lực của những kẻ bám đuổi. Nhưng xét trong từng chi tiết, có quá nhiều điểm giống với “kịch bản 2008” đã kể ra ở trên.
Họ cũng bay bổng đến vòng 8 bằng một lối chơi quyến rũ. Quyến rũ hơn nhiều so với năm 2008 và bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Nhưng ở vòng 9, họ thua kẻ cạnh tranh trực tiếp, năm đó là Liverpool còn năm nay là Man United. Trận thua đó gián tiếp khiến Chelsea đánh mất ngôi đầu bảng sau đó. Và sau đó liên tiếp là những cú ngã.
Chelsea đã tụt 2 bậc trên BXH chỉ sau 3 trận đấu. Bây giờ thì họ xếp dưới cả Man City, đội bóng đang mang nhiều dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng. Vẫn cầm bóng nhiều, vẫn chuyền bóng chính xác và có nhiều pha phối hợp đẹp, nhưng tính hiệu quả của Chelsea rất đáng ngại. Cộng thêm sự lơ đễnh của hàng phòng ngự, The Blues đang đứng trước nguy cơ đánh mất mọi lợi thế đã tạo dựng.
3 vòng đấu vừa qua chỉ ra rằng, một khởi đầu tốt không nói lên được chút gì về tính ổn định. Ngoại trừ trận thắng Arsenal, Chelsea gặp khó khăn trước mọi đội bóng mạnh họ đối mặt, từ Atletico, Shakhtar, Man United cho đến Liverpool.
Người ta buộc phải nghĩ rằng, khởi đầu tốt đẹp của Chelsea đến từ một lịch thi đấu không quá khó khăn. Nhưng điều đó không còn nữa. Sau Man United, Shakhtar và Liverpool, từ nay tới cuối tháng 11 sẽ là chuyến làm khách trên sân của Juventus và cuộc đón tiếp Man City. Đó là chưa kể tới cường độ thi đấu quái đản của bóng đá Anh cuối năm: trong 14 ngày từ 25/11 tới 8/12, họ sẽ phải đá 5 trận, tức là hơn 2 ngày/trận.
Những yếu tố ấy, thêm vào cái tâm lý nặng nề của những tuần vừa qua, có tạo nên một cuộc trượt dốc?