Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter từng mơ: “Mọi mâu thuẫn trên sân cỏ sẽ được giải quyết êm thấm chỉ bằng một cái bắt tay”. LĐBĐ Anh (FA) thì làm ngược lại. Họ phạt thật nặng Suarez và sắp tới là Terry để hướng tới một cái đích xa hơn: Văn hóa bóng đá cần phải thay đổi.
Đã hết thời gian cho những cuộc đối thoại dài dòng mà ngài chủ tịch FIFA, Sepp Blatter luôn tâm đắc. Văn hóa bóng đá, ít nhất là trong biên giới nước Anh, đang và chắc chắn sẽ thay đổi sau án phạt nặng tay mà FA dành cho tiền đạo Luis Suarez. FA muốn chứng minh, bây giờ là thời điểm họ sẵn sàng để mối quan hệ giữa cầu thủ và các quan chức bóng đá chuyển từ đối thoại sang đối đầu.
Khoảng 2 năm trước, hãy thử hỏi UEFA và FIFA, xem họ sẽ gọi hành vi vừa qua của Luis Suarez và John Terry bằng khái niệm gì? Nặng thì là “phân biệt chủng tộc”, còn nhẹ hơn, người ta gọi là “có hành vi không phù hợp trên sân cỏ”. Đó là thời điểm mà bóng đá khắp thế giới, cho dù luôn giương cao ngọn cờ chống phân biệt chủng tộc, nhưng các hình thức xử phạt lại luôn theo kiểu giơ cao đánh khẽ, dạng như “một cái bắt tay” mà ngài Blatter tâm đắc.
Nhưng FA đang nghĩ khác. Họ gọi cái cách mà Suarez và Terry đối xử với các đồng nghiệp bằng cụm từ: “Hành vi tội phạm trên sân cỏ”. Họ áp dụng điều luật “Tội phạm và các hành vi gây náo loạn” được ban hành năm 1998 làm thước đo xét xử. từ “tội phạm” rõ ràng là nâng cao quan điểm về một hành vi. Nhưng FA có cái lý riêng của họ.
Đã đến lúc văn hóa bóng đá, chí ít là trong khuôn khổ nước Anh, cần phải thay đổi một cách triệt để. Sẽ không có chuyện các CĐV tha hồ nhục mạ cầu thủ mà họ căm ghét, không có chuyện cầu thủ dành cho đồng nghiệp những cụm từ đại loại như “mọi đen”, “khỉ đột” hay nặng hơn thế. Không phải FA muốn đối đầu với các cầu thủ. Chẳng qua, họ làm thật nặng tay để tránh viễn cảnh chính các cầu thủ đối đầu với nhau theo cách của riêng mình mà thôi.
Hơn nữa, năm tới, nước Anh sẽ đăng cai ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh: Olympic London 2012. Olympic sẽ là ngày hội của cả thế giới, của đủ các sắc tộc, màu da, văn hóa, tôn giáo… Nếu FA, mà cao hơn nữa là Chính phủ Anh nương tay với những hành vi tội phạm trên sân cỏ, họ sẽ một lần nữa tự hất những mảng sơn lem luốc vào chính danh dự vốn đã hoen ố sau khá nhiều scandal gần đây.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới khác. Cái cách mà FA đối phó với Suarez và Terry đã gián tiếp bắn tới các cầu thủ khác một thông điệp: Họ sẽ luôn được chăm sóc kỹ lưỡng nhất có thể, không chỉ dưới con mắt của các trọng tài, NHM, quan chức FA, mà cả cảnh sát, pháp luật”, phóng viên Paul Hayward của tờ Telegraph nhấn mạnh.
Tại một đất nước vẫn còn tồn tại thể chế hoàng tộc, Nữ hoàng như xứ sở Sương mù, văn hóa ứng xử của các cầu thủ, đặc biệt là nhóm cầu thủ bản địa, cần phải theo một chuẩn mực nhất định. Điều mà FA muốn hướng tới, theo giới chuyên môn, chính là khái niệm “Tâm lý văn hóa cá nhân”, chứ không đơn thuần chỉ là chuyện chống phân biệt chủng tộc trên sân cỏ.
Đó chính là lý do FA không đời nào chấp nhận luận điểm của Liverpool: “vì Suarez đến từ một quốc gia khác, có phông văn hóa khác, nên không thể áp dụng quy chuẩn đạo đức của nước Anh để xét xử tiền đạo này”.
Bongdaplus.vn