
Bình luận về vai trò của tiền đạo: Bản chất & Hiện tượng
* Tổng hợp tin chuyển nhượng ngày 11/8
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
Nếu được chọn giữa Miroslav Klose (kỷ lục gia World Cup với 16 bàn) và Wayne Rooney (1 bàn/3 kỳ World Cup) khi cả hai cùng ở đỉnh cao phong độ, bạn sẽ chọn ai? Có lẽ 90% sẽ chọn Rooney, trong 10% còn lại chắc phải có 9,9% là fan của ĐT Đức.
Đó chính là một ví dụ cho thấy một tiền đạo, ở một khía cạnh nào đó, không chỉ nên đánh giá căn cứ vào hiệu suất ghi bàn. Đẳng cấp mới là số 1, ngoài ra còn là các yếu tố khác như khả năng thích ứng và sự cần thiết với một đội bóng trong một tình huống cụ thể. Trong bóng đá hiện đại, khái niệm tiền đạo nhạt dần đi, thay vào đó nên gọi tiền đạo theo khái niệm chính xác hơn và chung chung hơn là cầu thủ tấn công.
Những tiền đạo thực thụ hay nhất thế giới đều không “nổ súng” giỏi bằng những tiền vệ (được giao nhiệm vụ ghi bàn) như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Trở lại với trường hợp của Klose. Sở dĩ cầu thủ này ghi bàn hiệu quả ở 4 kỳ World Cup chủ yếu là nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ đồng đội và lối chơi của ĐT Đức. Nói cách khác, Klose là dạng tiền đạo cắm kiểu cũ, tức những người chuyên săn bàn trong vùng 16m50 của đối phương, cùng phong cách với Alan Shearer, David Trezeguet, Gabriel Batistuta…

Bóng đá hiện đại đòi hỏi nhiều hơn thế, nhưng cũng có thể cho là đòi hỏi ít hơn thế! Nghĩa là, một tiền đạo không cần ghi bàn nhiều nhưng vẫn có thể tối quan trọng với đội bóng. Ví dụ ở giải Ngoại hạng Anh mùa vừa rồi, Liverpool có đến “2 Vua phá lưới” là Luis Suarez và Daniel Sturridge (lần lượt dẫn đầu và xếp thứ nhì giải Vua phá lưới Premier League 2013/14 với 31 và 21 bàn). Nhưng cuối cùng The Kop lại không vô địch. Đội vô địch là Man City, với cầu thủ ghi nhiều bàn nhất là… Yaya Toure, một tiền vệ. Đây không hẳn là tiền vệ công mà chỉ là tiền vệ con thoi hoạt động rộng tự do cả công lẫn thủ, xuất thân của Toure là hậu vệ, sau đó thường chơi tiền vệ trụ. Chỉ đến khi chơi cho Man City, Toure mới thăng hoa về khâu ghi bàn.
Bàn thắng trong bóng đá hiện đại không chỉ là công sức của tiền đạo mà là sản phẩm tổng hợp của toàn đội. Khi M.U làm tung lưới Real Madrid ở Guiness Cup tại Mỹ mùa Hè này, bóng lần lượt qua chân 5 cầu thủ trước khi Ashley Young làm tung lưới đội ĐKVĐ Champions League. Young không phải tiền đạo, và thậm chí là người làm công đoạn dễ nhất (được dọn cỗ, chỉ cần “xơi”) nhưng nếu chỉ máy móc căn cứ vào thống kê người ghi bàn, rất dễ sai lầm dồn toàn bộ công trạng cho Young nhưng bỏ quên công lao lớn hơn nhiều của 5 cầu thủ M.U còn lại.
HLV Louis van Gaal nói rằng nếu ông muốn Rooney ghi 25 bàn tại Premier League 2014/15 không khó, nhưng nếu Rooney chỉ ghi 15 bàn song M.U vô địch thì đó chắc chắn sẽ là lựa chọn của Quỷ đỏ. Một tiền đạo nếu chỉ chăm chăm ghi bàn để dùng số bàn thắng cá nhân kiếm hợp đồng và lương khủng, chắc chắn đó không phải là điều các đội bóng lớn cần. Real Madrid gia hạn hợp đồng 5 năm với Karim Benzema (dù cầu thủ này không bằng Radamel Falcao về hiệu suất dứt điểm thành công), đơn giản vì anh hỗ trợ tốt nhất cho Ronaldo và Gareth Bale, ngoài ra Benzema còn xếp thứ 4 về tài kiến tạo ở La Liga trong 2 mùa vừa qua (chỉ sau Ronaldo, Messi và Carlos Vela).
Nếu chỉ chọn “hiện tượng” (bàn thắng), HLV Carlo Ancelotti sẽ dễ dàng bán Benzema, mua ngay Falcao. Nhưng HLV của Real đã chọn “bản chất” nên giữ Benzema. Hiện tượng chỉ là lớp sơn bên ngoài, còn bản chất mới là chân giá trị!