BÌNH LUẬN: Mua Van Persie, Ferguson sập bẫy Wenger?
1. Larry Ellison, tỷ phú người Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, đã tiêu gần 1 tỷ USD chỉ để mua hàng chục căn biệt thự hùng vĩ. Có căn nhà tại Florida trị giá gần 100 triệu USD ông mua sau 3 năm mới đến ở 2 ngày. “Khoảnh đất” hàng chục hecta được xây dựng trong 9 năm theo phong cách hoàng gia Nhật Bản, ông cũng đến ở dăm ba bữa. Nhưng Ellison có lẽ vẫn chưa chơi bằng tỷ phú Mukesth Ambani ở Ấn Độ. Ông này xây cả tòa nhà 27 tầng hết 1 tỷ USD tại Mumbai để vợ và 3 con ở mỗi năm 2 tháng…
Chính cái sự ngông đó mới là thứ trang sức biến họ thành những người sang trọng.
M.U quá giàu. Mua cầu thủ 24 triệu bảng quá đơn giản. Nhưng cái khó ở đây là họ mua Van Persie từ tay đối thủ kình địch. Nó khó như cách các tỷ phú thu mua đồ của nhau vậy!
Trong 25 năm triều đại Sir Alex, M.U đã nhiều lần mang về ngôi sao của đối thủ. Nhưng trong vài năm trở lại đây, khi M.U không còn là quyền năng độc tôn ở Premier League nữa, họ chỉ công phá được những đội bóng yếu. Có thể kể đến De Gea, A.Young, Valencia, Phil Jones… Nhưng khi tấn công Emirates để mang về Van Persie, một câu hỏi đặt ra, phải chăng M.U đang trở lại với con đường rút ruột đối thủ, giống như cách họ đã làm, giống như cách Bayern thể hiện quyền uy tuyệt đối ở Bundesliga?
2.Tuy nhiên, rất nhiều lần M.U rơi vào cạm bẫy bởi sự hống hách của mình, đặc biệt là khi M.U sẵn sàng công phá cả những đối thủ ngoài châu Âu. Có thể kể đến những hợp đồng thất bại như của Jordi Cruyff, Veron, Hargreaves… Chưa biết chừng đây cũng là cái bẫy của Arsenal dành cho M.U.
Wenger là một trong những chuyên gia siêu hạng trong vấn đề chuyển nhượng. Ông là người mua bán cầu thủ dựa trên nguyên tắc của “số học”, đi đầu trong thuyết “bóng đá internet” khi đăng ký trọn gói mọi con số từ các hãng thống kê. Không chỉ phục vụ thi đấu, các chỉ số về cầu thủ đang có lẫn những mục tiêu trong tương lai đều được Wenger đưa vào máy tính, duy trì dữ liệu từ khi có ý định đến lúc ký hợp đồng.
Wenger còn là một con “mọt sách”, trong đó cuốn ông nghiền ngẫm nhiều nhất như một thứ “cẩm nang” là hồi ký của Peter Taylor - “With Clough by Taylor”, bí kíp chuyển nhượng mà chúng tôi đã đề cập ở trang chuyên đề này hồi đầu tuần. Khi bán Mertesacker cho Arsenal, K.Allofs (GĐTT Bremen) còn tuyên bố: “Wenger là một con sói thông minh trong chuyển nhượng. Đừng ai nghĩ sẽ lừa được ông ấy!”.
Sử dụng công nghệ là lý do tại sao Wenger thường chỉ dùng Bergkamp 65 đến 70 phút mỗi trận từ khi tiền vệ này chạm tuổi 30. Ông từng kéo Bergkamp lại và nói: “Hãy xem những chỉ số. Sau phút 70, tần suất hoạt động của anh giảm đi 20 đến 30%!”. Đó cũng là lý do tại sao Wenger bán Vieira (20 triệu bảng), Henry (23 triệu bảng), Petit (10 triệu bảng), Overmars (30 triệu bảng), dù họ đang là những trụ cột không thể thay thế.
Điểm chung của những cầu thủ này là họ đều rời Arsenal sau khi chạm ngưỡng 29 tuổi. Khi Wenger nhận điện thoại từ Ferguson và đồng ý mức giá 24 triệu bảng, Van Persie cũng tròn 29 tuổi…
Trùng hợp chăng? Không hề. Tất cả đều nằm trong sự toan tính của Wenger. Bởi thực tế là những ngôi sao mà Wenger bán đi lúc 29 tuổi không bao giờ có phong độ như khi còn ở Arsenal. Với Van Persie thì càng có nguy cơ, bởi ai cũng biết tiền đạo Hà Lan hay dính chấn thương thế nào.
Như vậy, Sir Alex thắng hay Wenger thắng?
3. Warren Buffet có tài sản 60 triệu USD vẫn ở trong căn nhà giá 30.000 USD cách đây hơn 50 năm, chưa bao giờ đi máy bay riêng dù sở hữu một hãng máy bay tư nhân. Carlos Slim, người giàu nhất thế giới ngang với Bill Gates, chẳng bao giờ dùng máy tính mà vẫn dùng giấy, bút… Không phải họ tiếc tiền, nhưng họ chỉ chi những gì mình cần.
Không phủ nhận Ferguson có rất nhiều thương vụ thắng lớn, nhưng đó là theo cách những tỷ phú mua “đồ chơi” không tiếc tiền, thế nào cũng được món ngon. Trong 25 năm ở M.U, Ferguson 6 lần phá kỷ lục chuyển nhượng. Nhưng đến bao giờ M.U mới là tỷ phú tiết kiệm? Chưa biết chừng, sự hào phóng của M.U chính là con mồi trong cái bẫy mà Wenger giăng ra suốt 2 tháng qua…