Bình luận: Có những lúc, bóng đá không còn là... bóng đá nữa
Vậy mà bỗng nhiên, tổng thống Đức phải trao những huân chương cao quý nhất của nước này cho thầy trò Joachim Loew vì thành tích hạng 3 World Cup 2010, theo đề nghị của thủ tướng Angela Merkel.
Đấy là do người ta chỉ mượn chuyện bóng đá để thể hiện rõ các quan điểm chính trị, xã hội. Giới lãnh đạo Đức muốn cả thế giới, chứ không chỉ riêng người Đức, hiểu rằng họ muốn thấy một nước Đức đa sắc tộc, đa văn hóa. Họ muốn thể hiện niềm vui khi các cầu thủ gốc Ghana, TBN, Brazil, Tunisia, Ba Lan, TNK... đứng chung trong một tập thể nhân danh nước Đức. Và tập thể ấy, với HLV Joachim Loew đứng đầu, được xem như biểu tượng của nước Đức trong thế kỷ 21 - quan trọng hơn, lớn hơn cả bóng đá Đức.
Cũng vậy, khi FA tước băng thủ quân đội Anh của John Terry - một việc vốn là của HLV ĐTQG, thì sự việc hoàn toàn “phản bóng đá” ấy chỉ có thể hiểu theo một cách: các nhà lãnh đạo FA đang làm chính trị nhiều hơn là làm bóng đá. Để tỏ rõ thái độ trước vấn đề phân biệt chủng tộc, FA chấp nhận cả khả năng không có HLV trưởng ngay trước thềm EURO 2012.
Tất nhiên, HLV Fabio Capello không thể nào chấp nhận sự áp đặt của FA và ông từ chức. Chẳng phải Capello không hiểu rõ bản chất của vấn đề. Nhưng ông là HLV chuyên nghiệp. Ông không phải là chính khách, càng không phải dân Anh, nên ông cần gì phải hy sinh cho xã hội Anh hoặc cho nền chính trị Anh.
Việc Terry đang bị treo giò ở Premiership chẳng qua cũng chỉ là chuyện chính trị, xã hội, hơn là chuyện bóng đá. Phải hiểu như thế để thấy: những tranh cãi về án treo giò Terry, đặt trên nền tảng bóng đá, là... trật chìa. Chuyện của trọng tài Mark Clattenburg bây giờ cũng vậy. Suy cho cùng, trọng tài mà sai về nhận định thì... có sao đâu.
Vấn đề là Clattenburg đã sai trong một vấn đề vượt khỏi phạm vi bóng đá. Ông ta đang đối đầu với xã hội Anh, chứ không phải là với Chelsea nói riêng hoặc bóng đá Anh nói chung.