Ed Woodward trong thời gian gần đây là một nhân vật mà bất cứ ai theo dõi Manchester United cũng biết. Dáng người mảnh khảnh, nụ cười thường trực trên môi, trán rộng và có kiểu ứng xử đặc sệt của những quan chức ở Anh.
Cùng David Moyes, Woodward đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của một MU trong kỷ nguyên hậu - Ferguson. Ông già gân người Scotland rời khỏi ghế HLV trưởng ở Old Trafford và để lại một đội hình yếu ớt tới mức không có HLV hàng đầu thế giới nào dại dột nhận lấy công việc bỏ trống, ngoại trừ David Moyes. Vidic và Ferdinand đã xong, Evra đã mất tốc độ, Van Persie không có cơ hội để ghi 20 bàn/mùa với lối chơi của Moyes.
Van Gaal không có quyền tự quyết về nhân sự
Moyes đã đi, nhưng Woodward vẫn còn. Nói cách khác, vấn đề bộ sậu quản lý của MU tiếp tục tồn tại.
Vị trí thứ 7 của mùa giải trước đã phá hoại nghiêm trọng tinh thần của đội bóng. Tiền (động lực lớn nhất của gia đình Glazer) là thứ đang lái hoạt động của CLB, mà điển hình là chuyến du đấu vô nghĩa ở Mỹ.
Louis Van Gaal lúc đó vừa mới xong việc ở ĐT Hà Lan, và trước khi ông kịp chào hỏi toàn bộ các nhân viên dưới quyền, ông đã phải lên một chiếc máy bay theo kế hoạch của MU. Van Gaal vốn dĩ đã muộn vài ngày cho quá trình chuẩn bị do World Cup kéo dài, mà với các HLV châu Âu, tập luyện là công việc quan trọng nhất trong thời gian không thi đấu.
Chúng ta đã nghe rất nhiều về tài năng và sự chuyên nghiệp của bóng đá ở châu Âu, nhưng không phải ai cũng hiểu hết quá trình của nó chặt chẽ thế nào.
Mỗi ngày tập luyện là 3 buổi tập với cả tá giáo án, bữa ăn được đầu bếp của CLB giám sát và trong buổi tập ấy các cầu thủ lặp đi lặp lại các động tác cơ bản tới mức phát chán. Nhưng vì thế mà các cầu thủ châu Âu luôn vượt trội so với các châu lục khác về kỹ thuật cơ bản.
Trận thua Swansea ngày ra quân của MU là hệ quả của sự chậm trễ trong chuẩn bị. Louis Van Gaal phản đối chuyến du đấu, và ông còn phản đối cả bản hợp đồng 30 triệu bảng Luke Shaw, một quan điểm mà đồng nghiệp kiêm đối thủ Jose Mourinho đồng tình.
Shaw hiện đang phải tham gia chương trình hồi phục do thể lực yếu, còn Van Gaal thì tức vì không mua được một mục tiêu rẻ hơn, Daley Blind của Ajax (MU bây giờ đã có Blind, nhưng lại có 2 người chơi cùng vị trí).
Cái tôi của Manchester United là cái tôi của đội bóng lớn, do vậy họ cũng phải làm ăn lớn với số tiền lớn. Do vậy mà Luke Shaw đến, do vậy mà Ander Herrera được mua về, dù HLV còn chưa đến nhậm chức. Ed Woodward đã cảm thấy hơi nóng đằng sau gáy khi hợp đồng của Fellaini thất bại, và Woodward phải làm cái gì đó để tạm khiến các fan vui lòng. Vậy thì còn gì tuyệt vời hơn một tân binh lớn?
Van Gaal vẫn chưa phô diễn được tài nghệ của mình với MU
Và thế là các Manucian có Angel Di Maria. Một cầu thủ xuất sắc, chỉ có thể tóm tắt như vậy về anh. Họ tiếp tục gây sốc với bản hợp đồng mượn Falcao.
Nhưng người mới đưa vào thêm câu hỏi mới. Di Maria sẽ đá ở đâu? Mata sẽ ra sao? Falcao sẽ chơi bên cạnh, hay cạnh tranh với Rooney, Van Persie ra sao? Louis Van Gaal là người lão luyện nên sẽ giải quyết những câu hỏi ấy không quá khó. Nhưng vấn đề là tại sao ông lại phải giải quyết những câu hỏi về tập thể mình dẫn dắt tạo ra bởi một người khác không có quyền lực gì với đội bóng?
Thực tế là Van Gaal ngày càng ít có những phát ngôn gây sốc, những bài phát biểu của ông trở nên nhạt nhẽo hệt như Moyes. Đơn giản thôi, như chính Van Gaal thú nhận, ông không được quyết về nhân sự của đội bóng.
Có Di Maria, Falcao, không thể bảo đảm rằng mùa giải của MU sẽ thành công, và còn tùy vào cách chúng ta định nghĩa thành công, như về đích Top 4, vô địch quốc gia hay đoạt cúp. Quỷ đỏ đã khởi đầu mùa giải với sự chậm trễ, và họ phải sẵn sàng chấp nhận một mùa bóng trắng tay nữa, dù Van Gaal và các cầu thủ có cố gắng đến mấy.
Mà sự chậm trễ ấy từ đâu ra? Từ chuyến du đấu giao hữu, chuyến đi được sắp xếp bởi ông Ed Woodward, “cánh tay nối dài” không chính thức của nhà Glazer. Một khi vấn đề đã nằm ở thượng tầng như thế, có thay HLV hay mua 10 Di Maria cũng không xoay chuyển được điều gì.