Arsene Wenger có bằng kinh tế học của Đại học Strasbourg, nên có lẽ ông biết rõ Joseph Schumpeter, một kinh tế gia người Áo mà tác phẩm Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và nền dân chủ xuất bản năm 1942 đã góp phần quan trọng giải thích cho học thuyết kinh tế tân Marxist. Schumpeter coi chủ nghĩa tư bản là sự thay thế không ngừng của những luồng vốn liên tiếp nhau như các làn sóng. Những nguồn tư bản mới lần lượt hủy diệt các công ty đã tạo dựng được vị trí và phá vỡ những hãng độc quyền, hình thành nên những đế chế kinh tế mới.
Schumpeter sử dụng ví dụ để giải thích cho lý thuyết này là công ty xe lửa Illinois Central ở Mỹ, một ngành kinh doanh mới và những thành phố mới ở miền trung tây nước Mỹ phá hủy các công ty và cộng đồng nông nghiệp cũ kỹ. Nếu còn sống tới ngày nay, hẳn ông sẽ lấy ví dụ về sự bùng nổ của ngành kinh doanh trên internet ảnh hưởng ra sao đến hoạt động bán lẻ trực tiếp, hoặc về cách máy cat-xet bị máy chơi đĩa CD loại khỏi đời sống, và tại sao Arsenal lại mất những cầu thủ giỏi nhất của mình cho Manchester City.
Học thuyết Schumpeter đã đúng với Wenger và đội bóng của ông được vài năm. Những nguồn tư bản mới trong bóng đá, đặc biệt là ở Chelsea và Man City, đang hủy hoại những nhà độc quyền kinh doanh cũ của Premier League, Arsenal và Liverpool, như cách iPod đã hủy hoại Walkman. Sự khác biệt nằm ở chỗ trong bóng đá, không giống bất cứ lĩnh vực nào khác, sự thay thế và hủy diệt này bị coi là không công bằng. Nếu Robin van Persie là cầu thủ tiếp theo rời Arsenal tới Man City, chắc chắn sẽ lại có một làn sóng phẫn nộ mới nhắm vào những ông chủ ngoại đang thống trị bóng đá Anh bằng tiền bạc.
Arsenal liên tục chảy máu tài năng-
Tuy nhiên, Chelsea và Man City không câu kéo cầu thủ từ M.U, thậm chí là từ Tottenham, trong những năm vừa qua. Học thuyết Schumpeter chỉ đặc biệt đúng với Arsenal, vì Arsenal đã thực sự tụt lại phía sau. Mà điều đó là tốt cho bóng đá, giống như thị trường tự do là tốt cho tăng trưởng kinh tế. Tại sao sự độc quyền của Arsenal, thể hiện qua 15 mùa giải liên tiếp góp mặt ở Champions League, lại là công bằng khi không ai cứu được Nokia bởi công nghệ của họ bị Apple qua mặt và Kodak phải đóng cửa vì không cạnh tranh được với Nikon hay Canon?
Arsenal là nạn nhân của chính mình
Sự thật rất đơn giản: mô hình của Arsenal không đặc biệt và công bằng như họ vẫn tin. “Đôi khi những gì bạn làm bị người khác phá hỏng”, Wenger than thở vào cuối tuần rồi. “Tôi là một nạn nhân. Tôi mất Samir Nasri, Gael Clichy và Cesc Fabregas khi họ đang ở độ chín sự nghiệp”. Wenger nói không sai, nhưng cũng nên nhớ rằng những cầu thủ đó là sản phẩm của lò đào tạo các CLB khác. Họ vốn dĩ đã có tài. Arsenal mài giũa những viên ngọc thô và bán đi. Họ cũng chỉ là một tay môi giới kiếm lời. Ashley Cole là sản phẩm đích thực của lò đào tạo Arsenal gần nhất mà họ mất cho một đối thủ và chuyện đó xảy ra đã 6 năm về trước.
Kể từ đó, những cầu thủ ra đi gây tranh cãi nhất đều ở đỉnh cao phong độ, nhưng được đào tạo ở một nơi khác: Fabregas (Barcelona), Nasri (Marseille), Kolo Toure (AS EC Minosas), Clichy (Cannes), Emmanuel Adebayor (Metz) và Van Persie (Feyenoord). Những gì Man City làm với Arsenal, do đó, chỉ là những gì Arsenal đã làm với các đội bóng khác yếu ớt hơn về mặt tài chính. Một cách ngắn gọn, là học thuyết Schumpeter về sự thay thế các luồng tư bản, một thế giới khắc nghiệt, nhưng không hề bất công.
Nếu có thể tin các tin đồn, thì người tiếp theo sẽ ra đi là Theo Walcott, càng khiến những phàn nàn của Arsenal thêm đáng mỉa mai. Nếu như có nạn nhân nào bị chèn ép về mặt tài chính trong cuộc tranh giành Walcott, thì đầu tiên phải là Southampton, đội bóng đã phải để anh ra đi khi Walcott mới 16 tuổi với cái giá ban đầu rẻ mạt là 5 triệu bảng.
BLĐ Arsenal cũng giống BLĐ Southampton, tin tưởng vào việc không cần giành danh hiệu, nhập khẩu các tài năng trẻ, mài giũa và bán đi. "Đàn em" của Walcott là Luke Shaw, một cầu thủ 16 tuổi còn chưa đá chính trận nào ở Southampton, hiện đang được Chelsea theo đuổi, với đề nghị là 4 triệu bảng. Nếu vụ chuyển nhượng thành sự thật, Shaw sẽ là người mới nhất trong hàng loạt tài năng trẻ được đào tạo từ Southampton kể từ năm 2003, dù bản thân đội bóng áo sọc đỏ trắng không có thành tích gì đáng kể ngoài việc rớt hạng, bị chính quyền tiếp quản và trên bờ vực phá sản. Danh sách bao gồm Wayne Bridge, tới Chelsea năm 2003; Walcott 16 tuổi tới Arsenal với giá 5 triệu bảng năm 2006; năm 2007, với giá tương tự, Gareth Bale tới Tottenham; Alex Oxlade-Chamberlain chuyển sang Arsenal năm 2011 với giá 15 triệu bảng; còn giờ là Shaw.
Shaw nhiều khả năng không có mặt trong đội một Southampton mùa tới và mới chỉ đá 13 phút ở trận vòng 4 Cúp FA gặp Millwall, nhưng đã được coi là hậu vệ trái hứa hẹn nhất cả nước. Chelsea coi anh là sự thay thế trong dài hạn cho Cole, dù họ đã có cầu thủ đã chơi rất hay ở trận chung kết Champions League, Ryan Bertrand. Arsenal, như mọi khi, cũng quan tâm tới Shaw. Nếu Wenger thành công, Shaw sẽ trở thành tài năng trẻ thứ ba của Southampton chuyển đến Emirates trong vòng 6 năm qua, một con số đầy sức nặng nếu như Arsenal tiếp tục than phiền về sự thiếu công bằng và những kẻ bắt chẹt lắm tiền.
Nguồn Thể thao văn hóa