Arsenal, Chelsea & văn hóa chỉ trích của bóng đá Anh
Đội bóng Bắc London đã kết thúc mùa giải trước ở vị trí cao, được xưng tụng là CLB xuất sắc nhất trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 5, nhưng sau một mùa Hè khá im hơi lặng tiếng và một thất bại 2 bàn trắng trên sân nhà trước West Ham, họ bỗng dưng chìm vào khủng hoảng.
May cho Wenger là cuộc “khủng hoảng” ấy chỉ tồn tại vỏn vẹn… 1 vòng đấu. Tuần qua tuần, họ chơi ngày một thuyết phục hơn để rồi tới thời điểm này, cuộc khủng hoảng giới truyền thông Anh vẽ ra trên báo chí khi đó đã trở thành giấy gói xôi cho các fan "Pháo thủ".
Nhưng ở London không chỉ toàn niềm vui. Phía Tây thủ đô, Chelsea kết thúc vòng đấu thứ hai bằng thất bại nặng nề 0-3 trước Man City. Chỉ vài tháng trước đó họ còn là nhà ĐKVĐ, nhưng điều đó không giúp họ an toàn trước những soi xét từ giới chuyên môn. Chelsea đã rơi vào khủng hoảng!
Lần này thì kết luận đó chính xác, đội bóng của HLV Jose Mourinho vẫn chưa thể tìm lại chính mình sau 9 vòng đấu. Bất chấp hai chiến thắng trước West Brom và đặc biệt là Arsenal, The Blues sau đó lại vấp ngã và giờ thì đã thực sự lún sâu vào khủng hoảng.
Chelsea thực sự đang trải qua khủng hoảng
Chelsea không hề cô đơn. Thử search trên Google từ giai đoạn tháng 8 tới nay, cụm từ M,U/Man City/Arsenal/Liverpool in crisis (khủng hoảng), tất cả đều cho ra vô số kết quả. Mùa giải mới khởi tranh được 2 tháng, thế mà có cảm tưởng như nửa số đội bóng ở giải Ngoại hạng đều bị nhìn ra những vấn đề: Man City nhận 3 thất bại chỉ trong vòng 10 ngày của tháng 9; Liverpool tuyệt vọng, bế tắc và buộc phải sa thải HLV trưởng Brendan Rodgers; M.U với những bước tiến vững chắc bỗng dưng đón nhận trận thua vỗ mặt Arsenal, khiến Louis van Gaal nổi điên buộc tội tất cả mọi người từ chính ông cho tới anh bếp trưởng CLB.
Với những đội bóng cuối bảng như Newcastle, Sunderland và Aston Villa thì câu chuyện lại khác. Bảo rằng những CLB chẳng được ai kì vọng này đang rơi vào khủng hoảng thì nghe thật là kỳ quặc.
Nhưng cũng kỳ quặc không kém khi bảo rằng Chelsea khủng hoảng, chỉ vài tháng sau chức vô địch giải Ngoại hạng Anh của họ. Liverpool sa thải Rodgers khi họ chỉ kém đội đầu bảng có 6 điểm mong manh. M.U có thể thua đậm Arsenal, nhưng trước đó họ đã chơi rất tốt và đang ở Champions League. Chẳng có gì có thể gọi là khủng hoảng với họ lúc này, trừ khi mùa sau họ phải chuyển “hộ khẩu” xuống đá… Championship (giải hạng Nhất Anh).
Có một quan điểm cần phải làm rõ: Những đội bóng lớn của giải Ngoại hạng sẽ bị xem là “khủng hoảng” nếu không thể giành kết quả tốt quá 1 tuần. Hai thất bại đủ đặt họ vào một cuộc khủng hoảng, nhất là với những đội bóng mà tên tuổi không cho phép đón nhận 2 thất bại liên tiếp. Với Chelsea, Arsenal, Man City, chỉ 1 trận thua đã là khó chấp nhận.
Người hâm mộ rất khó nuốt trôi dù chỉ 1 thất bại
Trước đây, giải Ngoại hạng không như thế này. Vài thập kỉ trước, các HLV làm việc ở những đội bóng lớn xứ sương mù chịu rất ít áp lực, khác hoàn toàn với Italia và Tây Ban Nha, nơi những chiến lược gia mất việc sau một vài kết quả không như ý. Đặc biệt là Serie A, với nhóm “sette sorelle” (7 chị em) bao gồm Fiorentina, Lazio, Juventus, AC Milan, Inter, Roma và Parma. Bất cứ khi nào Juventus thua (hoặc thậm chí là hòa), các trang báo ở Turin sẽ giật tít: Juve in Crisi (Juve đang khủng hoảng). Một tuần sau, nếu họ thắng, tít mới sẽ là: Fuori Crisi (Khủng hoảng kết thúc).
Có một cách lý giải đơn giản cho tình trạng trên của Serie A những năm 1990 và giải Ngoại hạng Anh lúc này, đó là tiền. Càng nhiều tiền được đổ vào giải đấu, tiêu chuẩn sẽ càng cao. Tiêu chuẩn càng cao, các đội bóng càng dễ bị nghi ngờ, bị soi xét. Một kết quả không đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra, đội bóng sẽ bị xem là đang khủng hoảng.
Không phải không có những nguyên do khác. Chính sự phát triển của truyền thông Anh quốc cũng giúp cho cách nghĩ "mì ăn liền" trở nên phổ biến. Những câu chuyện rẻ tiền, những ý kiến chủ quan xuất hiện nhan nhản từ những tờ báo lá cải cho tới những tờ chính thống đang gặp khó khăn tài chính góp phần đưa khái niệm "khủng hoảng" trở thành câu đánh giá cửa miệng của tất cả mọi người.
Cũng không thể không nhắc đến tác động từ chính những CĐV bóng đá. Có người cho rằng giá vé ngày càng cao và đòi hỏi được xem nhiều chiến thắng hơn, có người bị ảnh hưởng tiêu cực từ báo chí, mạng xã hội. Nhưng dù gì đi chăng nữa, hệ quả của tổng hòa tất cả những yếu tố trên đang tạo ra một giải Ngoại hạng Anh đầy sức ép, dễ chỉ trích và khó đề ra kế hoạch lâu dài.
CĐV Liverpool lái máy bay mang thông điệp yêu cầu sa thải Brendan Rodgers
20 năm về trước, khi đội bóng yêu thích thất bại, bạn chỉ cần tránh xa các phương tiện truyền thông vào ngày Chủ Nhật và thứ Hai để nỗi buồn lắng xuống. Tới giữa tuần, bạn sẽ hoàn toàn bình thản trở lại. Nhưng với công nghệ truyền thông 24/7 của hiện tại thì khác, bạn sẽ nghe bài ca chỉ trích suốt cả một tuần, cho tới trận đấu tiếp theo. Bóng đá không quan trọng hơn, nhưng nó đang thâm nhập nhiều hơn vào cuộc sống.
Mọi chuyện cũng sẽ chẳng trở nên quá to tát nếu cách suy nghĩ kiểu "ăn xổi" chỉ dừng lại ở giới báo đài và người hâm mộ. Nhưng không chỉ có thế. Điển hình là BLĐ Chelsea mới đây đã tổ chức một cuộc họp hội đồng quản trị bất thường để thăm dò có nên tiếp tục tin tưởng Mourinho hay không sau trận thua Southampton hồi đầu tháng này.
Tiền bạc đang thay đổi cách suy nghĩ của tất cả mọi người. Với những đội bóng top đầu, họ sẽ phải nỗ lực hết sức để giành tấm vé dự Champions League, qua đó thu hút được những ngôi sao tốt nhất có thể, để rồi lặp lại vòng tuần hoàn ấy và kiếm được nhiều tiền hơn. Với những đội cuối bảng, họ góp nhặt từng điểm để hy vọng không rơi khỏi chuyến tàu danh vọng mang tên Premier League.
Tóm lại, chúng ta đang sống ở một kỷ nguyên của những cuộc khủng hoảng trong bóng đá. Những cuộc khủng hoảng ấy có thể không thật sự tồn tại, có thể sẽ kết thúc chỉ trong vài tiếng hoặc cùng lắm là vài ngày, nhưng bất kì đội nào cũng sẽ phải ít nhất là một lần đón nhận chúng, cho dù trước đó họ có mạnh mẽ và ổn định cỡ nào chăng nữa.